Thủ tục hành chính thuộc địa phương này, nhưng đất đai lại thuộc địa phương khác. Từ đó dẫn tới việc 19 hộ dân tại xóm Dé, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) mòn mỏi chờ sổ đỏ suốt nhiều năm qua.
Một chốn 2 nơi
Xóm Dé, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp nằm cạnh QL48, mặc dù sống ở khu đất đắc địa, bám đường lớn nhưng hàng chục năm qua, 19 hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp bìa đỏ cho diện tích đất ở. Bởi, về mặt hành chính, họ cư trú tại huyện Quỳ Hợp nhưng đất lại thuộc huyện Quỳ Châu quản lý. Chính sự nhùng nhằng này đã khiến người dân thiệt thòi về quyền lợi, nhất là việc vay vốn làm ăn. Theo ghi nhận, 19hộ dân này sống tập trung 2 bên QL48, trên đoạn đường chỉ dài chừng 150m. Khu vực này có diện tích chỉ 1,9ha. Họ sống liền kề với những hộ dân của bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, cửa ngõ của huyện Quỳ Châu.
Ông Nguyễn Trọng Tài, trú xóm Dé cho biết: Gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác lên đây sinh sống từ những năm 90 thế kỷ trước, khi đó còn là một vùng đất hoang vu. Nhưng nay, tại vùng đất này, nhà nước đã làm một tuyến quốc lộ huyết mạch của vùng Phủ Quỳ, nhà ông may mắn nằm ngay mặt quốc lộ. Ông Tài nói: “Do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên thửa đất hơn 30 năm nay vẫn vậy. Muốn làm việc lớn, cần tiền, ra ngân hàng vay nhưng không thể, bởi đất không đảm bảo về mặt pháp lý”. Cũng theo ông Tài, hơn 3 năm trước người con trai của ông cần một khoản tiền đi xuất khẩu lao động, gia đình phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng phí, mảnh đất nằm sát quốc lộ cũng không có tác dụng gì.
Tương tự, ông Ngô Sỹ Hiển (65 tuổi) xóm Dé, lên vùng đất Phủ Quỳ hơn 30 năm nay, khi mới lên phải dựng lều lán sinh sống. Người thì bán nước chè, người bán hàng ăn… “Dù là đất của mình, nhưng địa giới của huyện khác, nên việc làm bìa đỏ rất khó khăn. Và cũng không biết khi nào mới sống chính danh trên đất của mình” - ông Hiển nói.
Được biết, ban đầu xóm có 17 hộ, nhưng hiện nay có 2 trường hợp con cái ra ở riêng, nâng tổng số hộ ở xóm này lên 19. Từ một xóm góp, mỗi người mỗi quê, hiện nay đời sống kinh tế của xóm rất khá giả. Có trường hợp giàu nức tiếng cả vùng, nhờ buôn đá quý. Chỉ có điều, 19 hộ dân này đến nay vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù đã gửi đơn đề nghị suốt hàng chục năm nay. Chính quyền địa phương lý giải, nguyên nhân 19 hộ dân này không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do liên quan đến địa giới hành chính. Cụ thể, 19 hộ này có hộ khẩu ở xóm Dé, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp nhưng theo bản đồ 364 thì đất ở lại thuộc địa phận xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.
Chính quyền loay hoay
Trước thực trạng này, vào năm 2016, 2 huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu đã tổ chức hội nghị, giải quyết những vướng mắc của 19 hộ dân này. Cuối cùng, lãnh đạo 2 địa phương đã thống nhất hướng giải quyết là điều chỉnh lại đường địa giới hành chính giữa 2 xã theo thực trạng nhân dân 19 hộ xóm Dé, xã Yên Hợp đang sinh sống trên đất xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu với diện tích khoảng 1,9ha sẽ chuyển về cho xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp quản lý. Đến năm 2021, đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa bản đồ theo Quyết định 513/QĐTTg và cắm mốc tại thực địa. Song, khi đơn vị tư vấn đưa hồ sơ, bản đồ lên trình huyện Quỳ Châu ký xác nhận hoàn thiện thì lãnh đạo huyện Quỳ Châu không ký, đồng thời có ý kiến đề nghị không điều chỉnh bản đồ địa giới hành chính như đã thống nhất năm 2016, mà giữ nguyên như bản 364.
Đến ngày 31/12/2021, 2 huyện Quỳ Hợp và Quỳ Châu lại tổ chức họp bàn để giải quyết vướng mắc đoạn địa giới nói trên. Lần này, huyện Quỳ Hợp tiếp tục đề nghị tỉnh thực hiện việc điều chỉnh đường địa giới hành chính như đã thống nhất tại cuộc hiệp thương năm 2016. Trong khi đó, huyện Quỳ Châu thì tiếp tục đề nghị tỉnh không điều chỉnh đường địa giới mà giữ nguyên như bản đồ 364 cũ.
Do không tìm được tiếng nói chung, theo yêu cầu của Sở Nội vụ, đến ngày 6/1/2022, huyện Quỳ Châu và huyện Quỳ Hợp tiếp tục tổ chức hội nghị hiệp thương để thống nhất địa giới hành chính. Sau khi 2 huyện thảo luận nhưng vẫn không thống nhất được phương án, đại diện Sở Nội vụ đã giao cho huyện Quỳ Châu khảo sát ý kiến của các hộ dân trình Sở Nội vụ xem xét. Kết quả khảo sát của huyện Quỳ Châu cho thấy, có 14 hộ dân có nguyện vọng muốn chuyển hộ khẩu về xã Châu Bình quản lý. Huyện Quỳ Hợp cũng đi khảo sát ý kiến người dân, qua khảo sát, bà con cho biết về huyện nào cũng được. Miễn là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bà Đoàn Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng Nội vụ, UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Căn cứ vào nguyện vọng của người dân, ngày 15/2/2022, huyện Quỳ Châu đã có văn bản gửi Sở Nội vụ, trong đó đề nghị xem xét giữ nguyên địa giới hành chính theo bản đồ 364, chuyển các hộ dân về cho xã Châu Bình quản lý, đồng thời hủy biên bản hiệp thương giữa 2 huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày 28/11/2016. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 7 tháng trôi qua, Sở Nội vụ vẫn chưa có phản hồi.
Trong khi đó, Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Quỳ Hợp cho hay: Địa phương đã hướng dẫn 19 hộ dân lập hồ sơ theo quy định, trình lên các cấp có thẩm quyền huyện Quỳ Châu để thực hiện cấp quyền sử dụng đất theo quy định. Ngoài ra, huyện Quỳ Hợp còn có văn bản gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở này đôn đốc huyện Quỳ Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 19 hộ dân. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, huyện Quỳ Châu vẫn không cấp. Về việc này, đại diện chính quyền huyện Quỳ Châu cho biết: Theo Luật Cư trú mới, người dân phải đăng ký tạm trú mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi 19 hộ này hộ khẩu ở xã Yên Hợp nên Quỳ Châu không thể cấp bìa được. Thiết nghĩ, câu chuyện này có thể giải quyết một cách đơn giản nhất đó là chính quyền hướng dẫn các hộ dân nêu trên làm chuyển khẩu tạm trú về huyện Quỳ Châu, sau đó làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, sao 2 địa phương cứ “đá qua, đá lại” như vậy?