Nói về việc Mỹ áp thuế đối ứng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lên đến 46%, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, cuộc chơi bây giờ là bất định, doanh nghiệp (DN) phải kích hoạt phần dự trữ, quản trị rủi ro để ứng biến.
PV: Thưa ông, nhiều dự báo đưa ra tăng trưởng Việt Nam năm 2025 sẽ bị ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ và khuyến nghị nhà chức trách sớm đàm phán, đa dạng xuất khẩu. Ông bình luận gì về mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc chính quyền Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là rất cao, cao hơn nhiều với đối tác thương mại khác, đã thể hiện rất rõ chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, ưu tiên Mỹ là trước tiên. Đây là cách làm đề cao lợi ích của Mỹ trong môi trường thương mại có sự thay đổi nhanh chóng, bất ổn, khó lường.
Tôi cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện chiến lược đại dương đỏ, chấp nhận sự thiệt hại của nước khác để phát triển nước Mỹ. Đây không phải là chiến lược đại dương xanh - hợp tác trên cơ sở cùng nhau phát triển mà ở đây là Mỹ sử dụng công cụ áp thuế, tác động lên các đối tác thương mại khi họ thấy không công bằng.
Điều này làm cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng giá lên ít nhất 46%. Tất nhiên là không phải tăng giá ngay vì hàng hoá trong kho bán chưa hết. Song khi áp thuế, giá hàng hoá tăng, khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên và đương nhiên, người Mỹ chịu một phần mức thuế này. DN Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đưa hàng sang thị trường Mỹ. Bởi khi hàng hoá Việt Nam cao hơn so với các nước khác thì khó cạnh tranh khiến DN dư thừa hàng hoá không bán được. DN buộc phải chấp nhận giảm giá, bán rẻ để giải phóng kho hàng, chuyển hướng đưa hàng hoá sang thị trường khác. Đó là chiến lược đa dạng hoá thị trường mà lâu nay chúng ta đã làm. Cùng với đó, DN Việt Nam có thể phải thu hẹp sản xuất nếu không xuất khẩu được. Việc làm của người lao động trong nước sụt giảm. Như vậy, là mục tiêu tăng trưởng nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm chúng ta đạt khoảng 136 tỷ USD/ năm nhưng khi đánh thuế thì sẽ suy giảm khoảng 20 – 30 tỷ USD/năm. Con số 20 – 30 tỷ USD sang Mỹ không quá lớn. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 8% không bị ảnh hưởng quá lớn vì các thị trường khác không đánh thuế như Mỹ. Nếu chúng ta đa dạng hoá thị trường, khai thác động lực tăng trưởng khác thì có thể bù đắp được sự suy giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Còn khoảng 1 tuần nữa để các nước thực hiện đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới này, trong đó có cả Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 3/4 (giờ Mỹ) Tổng thống Donald Trump cũng có nêu điều kiện để giảm thuế. Như vậy là không gian thương lượng “ giảm thuế” đã được mở. Các DN cũng có kỳ vọng vào đợt đàm phán sắp tới. Ông có lời khuyên nào cho DN Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất định?
Câu chuyện của nước Mỹ là lợi ích. Chúng ta cần nhìn nhận, muốn đàm phán thành công, Mỹ phải có lợi ích, thậm chí lợi ích rất lớn.
Do đó chúng ta cần đặt lên bàn đàm phán các mục tiêu rất rõ ràng, giảm bớt thâm hụt thương mại bằng cách mua hàng Mỹ nhiều hơn, tăng cường nhập khẩu khí hoá lỏng, các thiết bị điện gió, máy bay và thậm chí là mua cả tàu biển… Chúng ta cam kết bằng việc đưa ra gói cả gói mua sắm hay là đưa ra chiến lược giảm thâm hụt dài hạn sau 5 – 7 năm. Mỗi năm tăng nhập khẩu từ Mỹ khoảng 20 – 30 tỷ USD/năm, lộ trình 5 năm tiến tới cân bằng thương mại.
Song, DN cũng không nên quá kỳ vọng vào đợt đàm phán tới đây. Cuộc chơi bây giờ là cuộc chơi bất định, DN phải kích hoạt phần dự trữ để ứng biến. Chúng ta phải tìm những nguồn dự trữ khác như khai thác thị trường tiềm năng, đi sâu vào thị trường Trung Đông, châu Phi, hay là quay về chính Đông Nam Á. Thị trường còn rộng, còn nhiều dưa địa để chúng ta khai thác, như vậy có thể bù đắp được phần sụt giảm sang thị trường Mỹ.
DN cũng phải tiết kiệm chi phí, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm chi phí quản lý, hành chính, số hoá để giảm giá thành. Tỷ giá hối đoái sẽ phải điều chỉnh như thế nào để có lợi cho xuất khẩu. Cộng gộp các yếu tố đó thì các mức thuế 46% sẽ chỉ còn 10 – 12%.
Chúng ta cũng cần nhìn nhiều sang các sản phẩm xuất khẩu khác, như xuất khẩu tín chỉ carbon, thị trường xanh, chúng ta xuất khẩu dịch vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!