Một thời gian dài nghỉ dịch không được đến trường, rất nhiều phụ huynh lo ngại về khả năng phát triển của trẻ và có mong muốn cho trẻ sớm quay lại trường học. PV Đại Đoàn Kết Online đã có những trao đổi cụ thể với các chuyên gia để làm rõ vấn đề này.
Không thể chỉ trông chờ vào vaccine
Dưới góc nhìn dịch tễ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội khẳng định Hà Nội đã có thể mở cửa trường học trở lại không chỉ mầm non mà tất cả các cấp học khác, ngoại trừ vùng phong tỏa.
Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, không thể chỉ trông chờ vào vaccine bởi nguy cơ lây nhiễm ngay cả khi tiêm vaccine vẫn ở mức cao, trong khi trẻ em được đánh giá là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm và tỉ lệ tử vong thấp.
Ngoài ra, việc không được đến trường ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển của trẻ. Việc học tập tại trường học của trẻ cũng ít khả năng lây nhiễm hơn so với người lớn. Tuy nhiên, cũng cần xác định nguy cơ lây nhiễm tại trường học vẫn có khả năng xảy ra. Bởi vậy phải cần tính toán các phương án đảm bảo 5K theo đúng quy định để nếu có trường hợp lây nhiễm cũng dễ dàng kiểm soát.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Học sinh mầm non cũng giống như học sinh các cấp học khác, nếu bị ngắt khỏi môi trường giáo dục hàng ngày, môi trường tương tác với bạn bè đồng trang lứa sẽ rất dễ gây ra nhiều hệ lụy.
Bởi đó là môi trường để trẻ phát triển toàn diện về mặt ngôn ngữ, nhận thức và tình cảm xã hội…
Trong hơn 1 năm vừa qua, việc ở nhà và tách khỏi môi trường giáo dục sẽ làm cho trẻ có một số ảnh hưởng nhất định, nhiều trẻ em gặp tình trạng chậm nói, ngại giao tiếp….
Đặc biệt quan tâm đến trẻ trong giai đoạn chuyển cấp
Hơn nữa, việc ở nhà thường xuyên và tiếp cận với các video trên mạng không giúp cho trẻ phát triển về khả năng ngôn ngữ. Các trò chơi vận động, tư duy trong quá trình học ở trường cũng không được sử dụng khi trẻ ở nhà như chương trình chuẩn tại giáo dục mầm non…
“Đặc biệt đối với các trẻ 5 tuổi chuẩn bị lên lớp 1 đòi hỏi những chương trình chuẩn cần đáp ứng như nhận diện mặt chữ, màu sắc…nếu không đáp ứng được, việc tiếp nhận của các giáo viên cấp 1 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp rất dễ dẫn đến tình trạng đứt gãy khi chuyển cấp”, chuyên gia nhấn mạnh.
Không những vậy, đối với trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng bởi các vấn đề căng thẳng về mặt tâm lí càng mạnh, khả năng ngôn ngữ có thể đi xuống, khả năng vận động, tương tác xã hội cũng ảnh hưởng. Cho nên, trong thời gian tới, cần phải có một giai đoạn “tiền học đường” cho trẻ từ mẫu giáo lên lớp 1 để xác định những trẻ bị “chậm” hoặc có vấn đề về tâm lý… để kịp thời có cách khắc phục.
Theo chuyên gia, việc quay trở lại trường không chỉ để đảm bảo về mặt kiến thức, chương trình giáo dục bắt buộc mà quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển toàn diện của trẻ về tất cả các mặt như: tăng khả năng kết nối, tương tác ở môi trường thực, khả năng giao tiếp, tình cảm xã hội, vận động sức khỏe…
Vấn đề này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa ra các chính sách để mở cửa lại trường học.
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho trẻ mầm non sớm đến trường với các điều kiện của vùng xanh cũng như quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ. Nếu không thể đến trường full-time thì cũng có thể nghiên cứu để trẻ đến trường theo từng khối để có thể dễ dàng kiểm soát”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc giáo dục trẻ ở thời điểm trẻ chưa thể đến trường, không để trẻ sa đà vào các video clip tràn lan trên mạng.