Gần 30 năm nay, cô giáo Trần Thị Ngọc Diệp (58 tuổi, TP Đà Nẵng) mở lớp “gieo chữ” miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chậm phát triển.
Lớp học đặc biệt của cô Diệp
Chúng tôi tìm đến lớp học tình thương của cô Diệp được mở tại nhà thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vào một ngày trời nắng đẹp. Lớp học được bày trí sức giản đơn với tấm bảng đen đã cũ cùng một vài bộ bàn ghế.
Trong lớp, cô giáo Diệp đang nhẫn nại chờ đợi cậu học trò nhỏ đánh vần từng con chữ. Thấy cậu học trò bối rối vì quên mặt chữ, cô Diệp viết từng phiên âm lên tấm bảng con, nhẹ nhàng gợi ý từng chữ cái…
Lớp học của cô giáo Diệp được mở vào mỗi buổi sáng hàng ngày, chủ yếu dạy các học sinh chậm phát triển, không thể theo học ở các trường.
Năm 1993, khi gia đình cô chuyển đến đây sinh sống, trong một lần đang dạy học con gái học bài, cô Diệp thấy mười mấy đứa trẻ thập thò bên ngoài cửa nhà mình.
Qua tìm hiểu, cô được biết những đứa trẻ này đều có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đã phải theo cha mẹ mưu sinh, chưa từng biết đi học là gì. Ý nghĩ mở một lớp học dạy chữ miễn phí tại nhà cho các em học sinh nơi đây xuất phát từ đây.
Từ đó đến nay, gần 30 năm, có hàng trăm đứa trẻ được cô Diệp dìu dắt, dạy chữ. Thời điểm đông nhất lớp học chứa đến vài chục em.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục phát triển tốt, cuộc sống của người dân cũng đã được nâng cao, hầu hết các em học sinh đều được đến trường. Vì vậy, lớp học của cô giáo Diệp chỉ dạy những em học sinh thuộc dạng đặc biệt, cần được kèm cặp riêng.
Tấm lòng của “người mẹ hiền”
Thời mới mở lớp học, do di chứng của trận tai biến khiến chồng cô bị liệt nửa người, cần đến người chăm sóc, trong khi các con còn nhỏ, sinh hoạt của gia đình đều thuộc vào đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi của cô Diệp. Vậy mà hằng tháng, cô vẫn cố dành lại một khoản tiền, mua hàng ký giấy vụn về đóng tập, làm vở cho các em.
Trước khi đến với lớp học của cô, những đứa trẻ này ban ngày phụ giúp gia đình, có nhiều em bị lây nhiễm những thói hư tật xấu bên ngoài xã hội, nhưng cô đã nhẫn nại khuyên răn, thậm chí là quyết liệt tuyên bố: “Hễ còn ăn cắp, hút thuốc thì o cấm tiệt không được vào nhà o nữa”.
Tật xấu khó bỏ, ấy vậy mà một ngày nọ, cậu học trò Bờm nổi tiếng ngỗ nghịch, hay mót trộm cá của người ta lại chạy tới lớp, dõng dạc khoe chiến tích “nhặt được sáu mươi lăm ngàn trả lại cho người mất”. Cô Diệp mừng và vô cùng xúc động, dắt cả lớp ra quán ăn chè để tuyên dương bạn Bờm.
Học phí của cô không trả bằng tiền, bằng vật chất, mà học sinh trả cho cô bằng tình cảm trong trẻo của những đứa trẻ thơ. Có lần cô bị tai nạn mất máu, phải nằm nhiều ngày, bé Tuyết – học trò út trong lớp chạy đến bên giường bệnh của cô và nói: “O Diệp đừng lo, con có nhiều máu lắm, để đó con cho o rồi o khỏe lại liền nha”.
Cô Diệp tâm niệm: “Mọi đứa trẻ sinh ra trên đời đều xứng đáng được học hành. Chỉ có con đường học mới giúp các em tìm đến với tương lai khác, cuộc đời khác, không thể để chúng mãi sa vào những lối mòn cũ, giẫm lại những sai lầm của thế hệ đi trước”.
Nhiều năm tháng trôi qua, nhiều em học trò “đặc biệt” đã thành đạt, lập gia đình, sinh con cái vẫn thường xuyên liên lạc với cô. Trong những đợt bão lũ liên tiếp, những người học trò năm nào thay phiên nhau đến giúp cô chèn chống nhà cửa, chặt cây cối xung quanh sợ ngã vào nhà cô.
Ở thời điểm này, cô chỉ mong mình có thể tiếp cận và quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ còn thiếu thốn, thua thiệt so với bạn bè, mong các em một ngày mai có thể tự tin đến trường, hòa đồng cùng các bạn.