Ngày 19/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, đã phân bổ về các quận huyện đợt đầu 100 tấn gạo, ưu tiên cấp phát cho các hộ nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly.
Dự kiến trong tuần này, sẽ có thêm 100 tấn gạo nữa được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng chuyển giao cho Mặt trận 7 quận, huyện để chuyển đến các hộ gia đình, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cũng gửi công văn (số 543/MTTQ-BTT) đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 quận, huyện gồm Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang (trừ huyện đảo Hoàng Sa), về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Các trường hợp được hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người bán hàng rong, bán vé số, xe thồ, người khuyết tật khó khăn, công nhân, sinh viên ở trọ khó khăn (kẹt lại TP trong dịch bệnh) và các hoàn cảnh khó khăn khác. Mức hỗ trợ được Ủy ban MTTQ TP thống nhất với các cơ quan liên quan là 10kg gạo/1khẩu/1tháng (kể từ ngày 1/8 đến ngày 30/8).
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ 7 quận, huyện phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận phường - xã, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư rà soát, lập danh sách người dân trên địa bàn gặp khó khăn trong dịch bệnh Covid-19; tổng hợp danh sách và lập Tờ trình gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP để xem xét hỗ trợ, đảm bảo mỗi nhân khẩu trong hộ được nhận đủ 10 kg gạo/1tháng.
Để kịp thời cấp phát gạo đến hộ dân cũng như các hoàn cảnh khó khăn khác trong dịch bệnh Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng yêu cầu Mặt trận 7 quận, huyện gửi Tờ trình và danh sách về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trước ngày 25/8/2020.
Được biết, Đà Nẵng hiện có hơn 20.000 hộ nghèo, cận nghèo với trên 50.000 khẩu và khoảng 30.000 trường hợp khó khăn trong đại dịch Covid-19 khác cần được hỗ trợ.
Trước đó, vào ngày 16/8 Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cũng thông báo đề nghị lao động tự do, công nhân, học sinh, sinh viên của các địa phương khác, kẹt lại Đà Nẵng do dịch bệnh; liên hệ với Ủy ban MTTQ quận, huyện, xã phường để được hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐTBXH Đà Nẵng, TP này đang có trên dưới 16.000 lao động ngoại tỉnh (đến từ các địa phương miền Trung) kẹt lại trong đại dịch. Nếu kể cả công nhân tại các khu công nghiệp thì số lao động ngoại tỉnh ở Đà Nẵng thời điểm này là trên dưới 100.000 người.
Ngoài hỗ trợ lương thực, thực phẩm, TP Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tàu đưa gần 10.000 lao động (công nhân, học sinh, sinh viên) ngoại tỉnh kẹt lại từ sau 3 đợt phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid-19 (lần đầu kể từ ngày 1/4, lần 2 kể từ ngày 28/7, lần 3 kể từ ngày 12/8), về quê theo nguyện vọng.
Trong một diễn biến khác, ngày 19/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết: Ngày 9/8 sau khi Bộ Y tế công bố kết quả điều tra dịch tễ về BN 769 là cán bộ của Thanh tra TP, làm việc tại tầng 9 tòa nhà Trung tâm Hành chính (số 24 đường Trần Phú, quận Hải Châu); ngày 17/8, CDC Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại tòa nhà Trung tâm Hành chính. Kết quả, 100% mẫu xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 19/8, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn quận Thanh Khê tiếp tục được phong tỏa, cách ly do liên quan đến các ca dương tính với Covid-19.
Từ ngày 25/7 (khi dịch bặt đầu bùng phát trở lại bằng ca dương tính Covid-19 số 416) đến ngày 19/8, TP Đà Nẵng có 78 trường hợp nhiễm Covid-19 được điều trị thành công.