Đà Nẵng: Người dân Nam Ô phản đối doanh nghiệp rào lối đi xuống bãi đậu ghe, thuyền

Thanh Tùng 03/10/2023 14:21

Người dân làng chài truyền thống Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, phản đối chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch sinh thái Nam Ô rào lối đi xuống nơi để ghe, thuyền trong mùa mưa bão.

Từ ngày 29/9 đến nay, người dân làng chài truyền thống Nam Ô trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) thường xuyên túc trực ở lối đi số 4 và ở bãi neo đậu ghe, thuyền dưới chân núi Nam Ô, không cho chủ đầu tư DA Khu du lịch sinh thái Nam Ô rào lối đi xuống biển.

Lối đi số 4 - lối đi gần nhất xuống nơi neo đậu ghe, thuyền của người dân Nam Ô. Ảnh: Thanh Tùng.

Chiều 30/9 và sáng 1/10, nhiều người dân tập trung tại số nhà K02/02/137 đường Nguyễn Tất Thành của hộ bà Huỳnh Thị Thà trước lối đi số 4 để đề phòng chủ đầu tư dựng lại rào chắn, ngăn lối đi xuống gành đá Nam Ô – nơi có khoảng 300 ghe và thuyền thúng đang neo đậu.

Một trong số 5 lối đi xuống biển của ngư dân Nam Ô. Ảnh: Thanh Tùng.

Người dân cho biết khi thực hiện DA, chủ đầu tư có chừa lại 5 lối đi xuống biển. Các lối đi được gọi theo thứ tự từ 1 đến 4. Ngoại trừ lối đi chính quay ra mặt đường Nguyễn Tất Thành, các lối đi còn lại đều nhỏ, hẹp, gây nhiều khó khăn, bất tiện cho hoạt động chài lưới. Đặc biệt lối đi số 4 trước nhà bà Huỳnh Thị Thà là lối đi gần nhất xuống nơi neo, đậu ghe, thuyền thúng của các hộ dân ở tổ 48, 49, 50, 51.

Người dân túc trực trên bờ và ở bãi biển để ngăn chủ DA rào lối đi số 4 xuống nơi neo đậu ghe, thuyền. Ảnh: Thanh Tùng.

Vì thế nên việc chủ đầu tư DA Khu du lịch sinh thái Nam Ô là Tập đoàn Trung Thủy rào lối đi số 4 vào ngày 29/9 đã bị người dân phản đối.

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Ngọc Vinh (74 tuổi, Chủ tịch Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư làng cá Nam Ô) cho biết: Việc chủ đầu tư DA khu du lịch sinh thái Nam Ô rào lối đi số 4 từ cuối tháng 9 đã khiến các hộ chài lưới lo lắng, bất an khi mùa bão đang cận kề. Lối đi bị rào đồng nghĩa với việc người dân không thể kịp thời di chuyển ghe, thuyền đến nơi an toàn khi có mưa bão vì đây là lối đi gần nhất xuống biển.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cầu ngư làng cá Nam Ô, phản đối rào lối đi gần nhất xuống nơi neo đậu ghe, thuyền của 170 hộ ngư dân trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, người dân Nam Ô đồng thuận với chủ trương hình thành khu du lịch sinh thái thay đổi diện mạo làng biển nhưng nghề truyền thống của 170 hộ dân ngư dân thì phải giữ lại. 5 lối đi xuống biển, trong đó có lối đi số 4 là huyết mạch trong đời sống, sinh kế của gần 200 hộ ngư dân. Việc rào chắn lối đi số 4 phải được tính toán, cân nhắc hài hòa giữa chủ đầu tư DA với tài sản, sinh kế của ngư dân.

"Nếu rào lối đi số 4 để thi công các hạng mục của DA thì chủ đầu tư cũng cần mở lối đi khác gần đó để ngư dân thuận tiện bảo quản tài sản ghe, thuyền tránh bị sóng cuốn trôi hay va đập hư hỏng do mưa bão. Tốt nhất là đợi qua mùa mưa bão hãy rào", ông Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến.

Gành đá dưới dân núi Nam Ô, nơi có khoảng 300 ghe, thuyền của ngư dân làng biển Nam Ô neo đậu. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo thông tin từ UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu: chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Nam Ô thông báo với địa phương về việc tạm đóng lối đi số 4 để thi công hạng mục của DA đến hết ngày 31/12/2023. Tuy nhiên việc rào lối đi số 4 không được các hộ dân đồng tình.

Cùng với việc tuyên truyền vận động người dân, UBND phường cũng yêu cầu chủ đầu tư có phương án hoàn thiện thi công trong thời gian ngắn nhất để trả lại lối đi xuống biển cho bà con.

DA Khu du lịch sinh thái Nam Ô do Tập đoàn Trung Thủy làm chủ đầu tư. Tổng diện tích 35 ha của DA là đất của làng chài truyền thống Nam Ô.

Tổng diện tích 35 ha DA khu du lịch sinh thái Nam Ô là đất của làng chài truyền thống Nam Ô. Ảnh: Thanh Tùng.

Trước đó vào tháng 3/2018, việc rào lối đi xuống biển của chủ đầu tư DA Khu du lịch sinh thái Nam Ô cũng bị người dân phản ứng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khi ấy là ông Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch DA trên quan điểm: bờ biển là không gian công cộng, không phải của riêng bất cứ DA nào. Chủ đầu tư DA phải chừa lối xuống biển hợp lý, thuận tiện nhất cho người dân.

Các hạng mục của Trạm xử lý nước thải và hố xử lý nước thải đang được thi công tại lối đi số 4. Ảnh Thanh Tùng

Sau các nỗ lực liên hệ, đến tối 1/10, phóng viên được bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy cung cấp số điện thoại của một người tên là Duyên, Trợ lý Phó Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy ở Đà Nẵng.

Trao đổi qua điện thoại, phóng viên được Trợ lý Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy ở Đà Nẵng chia sẻ một số thông tin liên quan. Thông tin cho biết, khi triển khai hạ tầng kỹ thuật gồm trạm xử lý nước thải, ống xử lý nước thải, phía DA có thông báo cho chính quyền địa phương cùng sở, ngành, liên quan và được yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn. Do các hố, ụ của Trạm xử lý nước thải có độ sâu từ 8 đến 9 m, nhiều sắt nhọn nguy hiểm nên buộc phải rào tạm cổng số 4 để tránh gây nguy hiểm cho người dân. Phía DA cũng đồng thời bố trí tạm thời lối đi số 3 cách lối đi số 4 từ 150 đến 200 m.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Nẵng: Người dân Nam Ô phản đối doanh nghiệp rào lối đi xuống bãi đậu ghe, thuyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO