Đà Nẵng từng có dự định thu hồi các dự án đất vàng này để làm quảng trường hoặc bãi đỗ xe nhưng do kinh phí thu hồi quá lớn nên phải để chủ đầu tư tiếp tục triển khai.
Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa, được xem là “đất vàng” giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng nhưng nhiều dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài. Những vướng mắc về thủ tục pháp lý khiến Nhà nước không thể thu hồi trong khi nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai, gây lãng phí và tạo ra nhiều hệ lụy.
“Đất vàng” bị quây tôn nhiều năm
Nằm trên ba trục đường chính Nguyễn Chí Thanh – Hùng Vương – Yên Bái (quận Hải Châu, Đà Nẵng), dự án Viễn Đông Meridian Tower do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông làm chủ đầu tư có diện tích hơn 11.170 m2. Dự án khởi công năm 2010 và dự kiến đi vào hoạt động sau hai năm với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD.
“Ngày công bố dự án, người dân ở quanh khu vực này kỳ vọng sẽ có một công trình bề thế, hiện đại với tòa nhà cao tầng, khu khách sạn… Qua đó làm thay đổi bộ mặt của khu trung tâm. Nhưng chờ đợi suốt 12 năm qua chỉ vẫn là những tấm tôn được quây quanh, vài cây cảnh được trồng lên còn bên trong vẫn là đất trống. Một số hộ dân còn tranh thủ đất hoang lâu năm để thả gà”, ông Nguyễn Văn Nam (người dân sống cạnh dự án) ngao ngán nói.
Đối diện “dự án quây tôn” này lại là một dự án khác được quảng cáo là có tầm cỡ, quy mô hàng trăm triệu USD có tên Golden Square do Công ty Cổ phần địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư. Dự án nằm ở khu đất 4 mặt tiền đường Phạm Hồng Thái – Yên Bái – Nguyễn Thái Học – Nguyễn Chí Thanh với diện tích hơn 10.000 m2. Suốt 14 năm qua kể từ ngày khởi công, dự án vẫn là những tòa nhà bê–tông trơ trọi cùng một văn phòng giới thiệu căn hộ mẫu. Đã có nhiều thông tin về việc chuyển giao dự án cho các nhà đầu tư khác nhưng đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.
Nằm sát đó là dự án Trung tâm thương mại khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Đà Nẵng Center rộng gần 8.000 m2 nằm trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Hùng Vương - Phan Châu Trinh. Dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư khởi công năm 2008. Nhưng từ đó đến nay, ngoài một hố sâu hoắm chứa nước mưa ô nhiễm, làm nơi phát sinh muỗi thì bốn bề vẫn quây tôn kín mít.
Ba dự án rộng hàng ngàn m2, nằm ở vị trí trung tâm của thành phố nhưng bị “bỏ hoang”, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc suốt nhiều năm qua. Theo tìm hiểu thì thành phố Đà Nẵng đã từng có ý định thu hồi các dự án này để làm quảng trường, bãi đổ xe. Tuy nhiên, khi bắt tay triển khai thực hiện thì gặp một số vướng mắc về pháp lý cũng như nguồn ngân sách để thu hồi, đền bù cho nhà đầu tư quá lớn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thì phương án xử lý đối với ba dự án này là dự án khu phức hợp Trung tâm thương mại khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp Đà Nẵng Center sẽ cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai. Hai dự án còn lại sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư.
Vướng mắc khi xử lý
Đã có nhiều ý kiến phản ánh, nhiều cuộc họp giữa Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng với các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án này. Nhưng qua nhiều năm, các dự án này vẫn chưa có lối ra. Theo một người dân ở quanh khu vực dự án thì hầu như kỳ họp Hội đồng nhân dân nào thành phố cũng nêu ra vấn đề này nhưng rồi cũng không có phương án giải quyết.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X ngày 13/7, vấn đề dự án ở các khu đất vàng chậm triển khai nhưng chưa được thu hồi lại được các đại biểu đưa ra chất vấn. Trả lời vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, theo Luật Đất đai (điểm i, khoản 1, điều 64) đã quy định rõ việc xử lý các dự án, khu đất chậm triển khai nhưng trong quá trình đưa vào thực thi có nhiều vấn đề phát sinh.
“Từ năm 2016, qua rà soát, thành phố Đà Nẵng đã kiểm tra 206 dự án và khu đất. Xác định 81 trường hợp có vi phạm điểm i, khoản 1, điều 64, Luật đất đai (chậm đưa đất vào sử dụng sau 24 tháng được giao đất), đã xử phạt và nộp ngân sách hơn 345 tỷ đồng”, ông Hùng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng thì do đặc thù của thành phố nên các dự án để đất trống không triển khai dự án, cũng không thể thu hồi. Bởi, trước đây thành phố có tình trạng giao đất và cho thuê đất không có dự án. Sau đó, chủ đầu tư mới lập quy hoạch, lập dự án, lập thủ tục để tiến hành triển khai thi công công trình. Tuy nhiên, vướng mắc của các dự án này là do phần lớn những khu đất này rơi vào các sai phạm đã có kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, chủ yếu vướng về chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
“Vì không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên khi tiến hành các thủ tục hầu như không được giải quyết. Ví như cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư đều vướng. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, lập dự án cũng có những vấn đề phát sinh buộc phải điều chỉnh quy hoạch. Đây là những yếu tố khách quan dẫn đến các dự án không thể triển khai được”, ông Hùng phân tích.
Ông Hùng cũng thông tin thêm, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản khuyến cáo chủ đầu tư cần cùng các sở ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa đất vào sử dụng. Trong trường hợp chủ đầu tư chây ì hoặc không đủ năng lực, đơn vị sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi.
Ngày 18/7, làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn tại Đà Nẵng, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề bất cập trong việc chậm triển khai các dự án, vấn đề lãng phí đất đai kéo dài của Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng thừa nhận lãng phí đất đai đang là vấn đề nhức nhối của địa phương, đồng thời kiến nghị các giải pháp khắc phục.