Sinh ra trong gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm, cô học trò xứ Quảng đã vươn lên trong học tập với suy nghĩ chỉ có học tập tốt mới có thể thay đổi số phận và để bố mẹ an lòng nơi “chín suối”.
Tuổi thơ không may mắn
Em Phạm Thị Hậu, học sinh lớp 12/11, Trường THPT Phan Bội Châu, TP Đà Nẵng không chỉ khiến nhiều người xúc động bởi câu chuyện vượt khó, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ khi xuất sắc giành 29 điểm khối C00 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi tìm về nhà em Hậu ở làng chài ven biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cũ, nay xã Tam Xuân, TP Đà Nẵng. Từ đầu làng, ai cũng biết cô học trò mồ côi cả bố lẫn mẹ nhưng giàu nghị lực vượt khó.
Đang phụ giúp cậu dọn dẹp nhà cửa, em Hậu thấy người lạ chạy ra chào hỏi và gọi anh Ngô Thanh Đoàn (là cậu ruột em Hậu) để tiếp khách, trò chuyện. Tại đây, anh Đoàn cho biết: “Ngày biết tin cháu Hậu đạt điểm cao, tôi rất vui mừng và hạnh phúc cho cháu”.
Anh Đoàn kể: “Năm cháu Hậu mới học lớp 5 thì không may mẹ bị tai nạn mất sớm, còn bố thì bị bệnh nên không thể làm việc gì nặng nhọc. Tôi thấy tội nên đón cháu Hậu về nhà nuôi dưỡng, lo ăn học. Cháu Hậu cũng hiểu về hoàn cảnh mình nên chịu khó học tập và phụ giúp gia đình tôi bán tạp hóa. Đến năm 2024, bố của Hậu do mắc bệnh hiểm nghèo cùng mất. Tôi thấy cháu Hậu còn nhỏ nhưng đối diện hoàn cảnh thật đáng thương, tôi đã động viên, an ủi cháu cố gắng học tập tốt để bố, mẹ nơi ‘chín suối’ an lòng”.
Anh Đoàn chia sẻ: “Thời gian tới, cháu Hậu đi học ở xa nhà, không biết cháu có tự lo được mọi chuyện, từ sinh hoạt cho tới việc đi lại ở nơi đất khách quê người hay không. Còn về kinh phí ăn học thì tôi sẽ cố gắng lo cho cháu. Tôi luôn xem cháu Hậu như con ruột của mình, tôi ước nguyện cháu Hậu học thật tốt để sau này ra trường trở thành người có ích cho xã hội”.
Khi nhắc về bố và mẹ, em Hậu tâm sự: “Có những đêm trời đổ mưa, nỗi nhớ bố, mẹ ùa về, em chỉ biết khóc một mình. Lúc đó em ước rằng giá như được ăn một bữa cơm sum họp có bố và mẹ ở bên cạnh hoặc được bố, mẹ động viên em học tập, vui buồn gì cũng có bố, mẹ như bạn bè cùng trang lứa”.
Vượt nghịch cảnh đến giảng đường
Em Phạm Thị Hậu, không chỉ là một điểm sáng về thành tích học tập mà còn là nguồn cảm hứng về ý chí, nghị lực và khao khát vươn lên. Dù không phải cái tên dẫn đầu bảng vàng thủ khoa, nhưng kết quả ấn tượng với 9,5 điểm môn Ngữ văn, 9,75 điểm môn Lịch sử và 9,75 điểm môn Địa lí chính là thành quả xứng đáng cho một hành trình dài của sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Đặc biệt bởi vì em là một nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng luôn nhiệt huyết, nỗ lực trong học tập và ước mơ đền đáp công ơn những người nuôi dưỡng và bố, mẹ đã khuất.
Em Hậu tâm sự: “Em chỉ biết rằng, con đường duy nhất để thoát khỏi những khó khăn, để đền đáp công ơn sinh thành của bố, mẹ, sự nuôi dưỡng của cậu ruột, sự dạy bảo tận tâm của cô thầy sự động viên của bạn bè và những người đã giúp đỡ em trong cuộc sống. Nên mỗi trang sách, mỗi giờ học trên lớp đều mang một ý nghĩa lớn lao, không chỉ là kiến thức mà còn là hy vọng, là sự tri ân. Em luôn tự nhủ phải thật nỗ lực thật nhiều để xứng đáng với tình yêu thương đó”.
Khi được hỏi về bí quyết đạt được những điểm số đáng ngưỡng mộ, đặc biệt là ở khối Khoa học xã hội, em Hậu khiêm tốn chia sẻ, với em môn Lịch sử không phải là môn học khô khan của những con số, sự kiện, mà là một hành trình khám phá quá khứ, một câu chuyện sống động về dân tộc và nhân loại. Chính tình yêu dành cho môn học này đã giúp em dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ kiến thức.
“Em thường chia thời gian biểu rất cụ thể, kết hợp chặt chẽ việc học trên lớp với tự học và luyện đề ở nhà. Khi học Lịch sử, em cố gắng chia các mốc thời gian ra dễ ghi nhớ hơn, đồng thời tự vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức. Điều này giúp em không chỉ nhớ sự kiện mà còn hiểu được mối liên hệ, nguyên nhân, kết quả giữa các giai đoạn lịch sử”, em Hậu nói.
Còn đối với môn Địa lí, Hậu cũng áp dụng một phương pháp tương tự, chú trọng việc kết hợp lý thuyết với thực hành, vận dụng kiến thức vào việc phân tích biểu đồ, bản đồ và các số liệu thực tế. Em thường xuyên luyện tập giải các dạng bài tập khác nhau, từ đó nắm bắt được các mẹo và kỹ năng làm bài hiệu quả.
Riêng môn Ngữ văn, một môn học đòi hỏi sự cảm thụ sâu sắc và khả năng diễn đạt lưu loát, Hậu nhận thấy mình cần có sự trau dồi và hướng dẫn thêm. Em Hậu chân tình: “Em đã rất may mắn khi được học thêm từ cô Bùi Thị Hoa giáo viên dạy môn Ngữ văn, cô Hoa không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi gợi niềm yêu thích văn chương trong em. Cạnh đó, em cũng dành rất nhiều thời gian để đọc thêm sách báo, các tác phẩm văn học để ứng dụng vào bài viết của mình”.
Việc đọc chọn lọc và nhiều đã giúp Hậu mở rộng vốn từ, làm giàu thêm kiến thức xã hội, từ đó nâng cao khả năng hành văn, lập luận và thể hiện cảm xúc trong các bài nghị luận văn học. Sự kết hợp giữa học thầy, học bạn và tự học từ sách vở đã tạo nên nền tảng vững chắc giúp Hậu tự tin chinh phục môn Ngữ văn với điểm số cao.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, thành quả đạt được tại Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 đã mở ra cánh cửa tới giảng đường đại học cho em Hậu. Dù có thể chọn lựa nhiều ngành nghề khác nhau với điểm số của mình, nhưng ước mơ của Hậu lại vô cùng giản dị và cao đẹp đó là trở thành cô giáo dạy văn.
“Em ước mơ được đứng trên bục giảng, được truyền đạt kiến thức và niềm đam mê học tập cho thế hệ tương lai. Em sẽ đăng ký vào ngành Sư phạm Ngữ văn hoặc Sư phạm Tiểu học của Đại học Sư phạm Huế, thuộc Đại học Đà Nẵng. Đây là con đường mà em tin rằng sẽ giúp mình thực hiện được ước mơ cháy bỏng, mang tri thức và nhiệt huyết đến với các em học sinh, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người”.
Ông Đinh Gia Thiện, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: “Hậu là một học sinh vô cùng chăm ngoan, hiền lành và luôn nỗ lực trong học tập. Nhà trường luôn động viên và hỗ trợ em Hậu trong suốt quá trình học tập. Hằng năm, nhà trường, các mạnh thường quân đều trích từ các quỹ khuyến học để trao tặng những suất học bổng ý nghĩa, mong muốn được đồng hành cùng em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.