Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng, khiến nhiều đàn lợn phải tiêu hủy. Chính quyền các cấp đang quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm khống chế dịch lây lan…
Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh
Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Quảng Ngãi, ban đầu dịch tả lợn châu Phi xuất hiện một số hộ chăn nuôi ở xã Sơn Hạ với 34 con lợn bị mắc bệnh, sau hơn 15 ngày, đến nay dịch lây lan ra 184 cơ sở chăn nuôi ở 15 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy bắt buộc gần 1.300 con, với tổng trọng lượng 63.194kg.
Trong khi đó, tại TP Đà Nẵng, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y, từ 1/7 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn tại 9 hộ ở 6 thôn thuộc 4 xã làm 42 con lợn mắc bệnh chết và buộc phải tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy là 2.661kg.
Ông Lê Quang Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết, tính đến sáng 17/7 dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và gây hại tại 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn. Lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy bắt buộc là 50 con, tổng trọng lượng gần 4,5 tấn.
Nguyên nhân bùng phát dịch tả lợn châu Phi, theo ông Nguyễn Quang Trung, xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Như chuồng nuôi sơ sài, tạm bợ, bố trí gần nhà, sát đường giao thông chưa đáp ứng điều kiện chăn nuôi. Các biện pháp phòng, chống dịch còn nhiều hạn chế, như các địa phương, đơn vị mua sắm vật tư, hóa chất, vaccine chưa kịp thời.
Tương tự, nguyên nhân dẫn đến dịch tả lợn châu Phi tại TP Đà Nẵng chủ yếu do phòng bệnh chưa tốt, lợn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn và do thời tiết thay đổi thất thường, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Đó là những nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại đến người chăn nuôi.
Khẩn trương dập dịch
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lãnh đạo tại 2 địa phương nói trên đã chỉ đạo khẩn cấp dập dịch. Cụ thể, ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ trên đàn lợn; xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng. Các lực lượng chống dịch phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình bảo hộ cá nhân, tiêu độc khử trùng, xử lý, tiêu hủy heo bệnh đúng quy định, tránh làm phát tán mầm bệnh. Tuyên truyền để người dân ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc hoặc nghi mắc dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Ông Đỗ Văn Chung - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã huy động và phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương đang có dịch phối hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh. Tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường tại chuồng nuôi và các tuyến đường giao thông.
Còn lãnh đạo TP Đà Nẵng đã yêu cầu UBND các xã, phường thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đứng điểm tăng cường trách nhiệm đến từng cơ sở giám sát, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn quản lý. Chủ động theo dõi, giám sát đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch dịch tả lợn châu Phi, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh.
Tại 2 địa phương ở những nơi có dịch còn cắm biển cảnh báo dịch tại khu vực dịch bệnh, hố chôn; Quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại khu vực có dịch. Đồng thời xuất vaccine, hóa chất để các xã sát trùng, tiêu độc và các điểm tiêu hủy, tránh trường hợp vứt xác gia súc bừa bãi và tuyên truyền người dân không cho bán chạy, vứt xác lợn chết bừa bãi gây lây lan dịch bệnh.