Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm quận Sơn Trà, trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm đã tịch thu và tiêu hủy 40 dây bẫy, 16 lồng bẫy, 2 bẫy kẹp thú.
Ngày 26/3, trước thông tin phản ánh của người dân về nhiều loại bẫy, có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh tồn của động vật trên bán đảo Sơn Trà, UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đã ban hành công văn 703/UBND-PKT về việc xử lý nghiêm việc đặt các loại bẫy trên bán đảo Sơn Trà.
Trước đó, ngày 25/2, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức lực lượng kiểm tra, tháo gỡ số lượng lớn bẫy được đặt trên bán đảo Sơn Trà.
Để bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà - ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, yêu cầu Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn chủ trì, phối hợp với UBND phường Thọ Quang, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan về công tác bảo vệ, phát triển rừng, động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng và gửi báo cáo hàng tháng về UBND quận Sơn Trà.
Ông Trà yêu cầu, đội Tuần tra liên ngành bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng quận Sơn Trà phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ kế hoạch kiểm tra, truy quét ngăn chặn chặt phá rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép; giao Công an quận Sơn Trà phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn trong điều tra, xử lý.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm quận Sơn Trà, trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm quận Sơn Trà đã tịch thu và tiêu hủy 40 dây bẫy, 16 lồng bẫy, 2 bẫy kẹp thú.
Bên cạnh đó, du khách và người dân vẫn có thú vui cho khỉ ăn thường xuyên, ảnh hưởng đến tập tính sinh hoạt của loài khỉ, khiến việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn.