Ngày 30/12, tại TP HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai công tác 2023 và tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Góp thêm giải pháp cho việc tuyển dụng hiệu quả nguồn lao động cho hoạt động kinh tế - xã hội”.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học quản lý kinh tế, như GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM; TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn KHCN và Quản lý TP HCM; ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM;…
Phát biểu tại Hội nghị, TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM cho biết, năm 2022 dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã hạ nhiệt, thế nhưng nền kinh tế - xã hội “đầu tàu” cả nước - TP HCM gặp vô vàn khó khăn. “Điều đó thể hiện khá rõ khi dù duy trì được tăng trường dương nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế lại giảm sút, như mức tổng cầu giảm mạnh; sức mua trên thị trường bán lẻ cũng giảm, trong khi các ngàng vốn là lõi tổng cầu của kinh tế TP HCM như ngành lương thực, thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng cũng đang đà giảm”, TS Sâm nêu đánh giá.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học thuộc Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM đã tham mưu, hiến kế nhiều giải pháp cho UBND TP HCM thông qua việc tổ chức hoạt động tư vấn, phản biện xã hội về các vấn đề kinh tế và quản lý. Hội cũng phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM để tổ chức các Hội nghị quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng. Qua đó, lấy ý kiến của đội ngũ nhân sĩ, trí thức và cán bộ các cấp phản biện trực tiếp đối với nhiều quyết sách lớn của TP HCM và Bộ ban ngành, Chính phủ.
Chia sẻ tại tọa đàm khoa học “Góp thêm giải pháp cho việc tuyển dụng hiệu quả nguồn lao động cho hoạt động kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Hội nghị, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, đà suy giảm kinh tế đang trực tiếp tác động trực tiếp đến thị trường lao động của TP HCM và cả nước. Chỉ riêng trong quý IV/2022 chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm hàng chục ngàn lao động do không có đơn hàng hoặc gặp khó khăn về dòng vốn tái đầu tư, tái sản xuất,…Theo ông Trực, các rủi ro của nền kinh tế đã được dự báo từ trước khi hầu hết các DN hiện nhỏ yếu, thiếu cân bằng giữa sản xuất kinh doanh và dịch vụ, trong khi chủ yếu gia công.
“Năng suất lao động xã hội còn thấp so với tiềm lực nền kinh tế và yêu cầu vượt qua bẫy thu nhập trung bình là vô vàn khó khăn. Trong đó, năng suất lao động thấp đến từ việc DN còn nặng tư duy “tiểu thương, tiểu thương, tiểu chủ”, dẫn đến sản xuất kém, hiện đại hóa chậm,…”, ông Trực chia sẻ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, trong giai đoạn 2022 - 2016 ngành dệt may và giày da là hai ngành có mức độ thâm dụng lao động lớn, thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề. Đó là do quy hoạch ngành này sẽ phân bổ theo 7 khu vực, trong đó phía Nam gồm vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng Sông Cửu Long với TP HCM sẽ là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may.
Các biến động sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch rất lớn khi TP HCM hướng đến 4 ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm ngành cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực thực phẩm; hóa dược - cao su, với nhu cầu lên đến 271.510 – 322.897 chỗ làm việc. Các ngành này chiếm 23,22% tổng nhu cầu nhân lực hằng năm, trong giai đoạn từ nay đến 2026.
Cũng tại tọa đàm khoa học, TS Lê Đức Du, chuyên gia kinh tế đã hiến kế một số giải pháp cho việc tuyển dụng hiệu quả nguồn lao động cho hoạt động kinh tế - xã hội. Để ổn định thị trường lao động đang có nhiều diễn biến mất cân bằng, lao động mất việc, thất nghiệp gia tăng,…TS Lê Đức Du cho rằng, các DN phải “hiểu mình, hiểu người”, tức nắm bắt được nhu cầu thị trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó mới đưa ra chiến lược về tuyển dụng lao động có tay nghề, kỹ thuật phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước./.