Tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định đặc cách công nhận học sinh giỏi (HSG) tiếng Anh đối với 91 học sinh đạt điểm IELTS từ 7.0 trở lên, khiến nhiều người băn khoăn.
Khuyến khích học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế
Năm học 2022-2023, tỉnh Hà Tĩnh xét công nhận cho 91 em có điểm IELTS từ 7.0 trở lên là HSG tiếng Anh. Cụ thể, có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS (tương đương giải nhất kỳ thi HSG môn tiếng Anh); 37 em đạt 7.5 điểm IELTS (tương đương giải nhì) và 48 em đạt 7.0 điểm IELTS (tương đương với giải ba). Đây không phải là năm đầu tiên Hà Tĩnh triển khai việc công nhận này mà việc đặc cách đã được triển khai thí điểm từ năm học 2017-2018, áp dụng cho học sinh lớp 9 đến lớp 12.
Những năm trước, tiêu chuẩn để đặc cách HSG môn tiếng Anh đối với học sinh THPT đạt IELTS là 6.5 trở lên, lớp 9 là từ 5.5 trở lên. Từ năm học 2022-2023, học sinh THPT được công nhận đặc cách phải đạt IELTS 7.0 trở lên. Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 70 em được đặc cách công nhận HSG môn tiếng Anh. Năm học này số học sinh được đặc cách công nhận nhiều hơn 21 em.
Theo lý giải của TS Trần Giang Nam - chuyên viên tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Tĩnh, UBND tỉnh khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia các kỳ thi chứng chỉ quốc tế theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường mầm non, phổ thông Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2025 ban hành từ năm 2018. Vì vậy, việc công nhận này là nhằm thúc đẩy phong trào học tập và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong nhà trường chứ không phải để giúp học sinh được đặc cách hoặc cộng điểm ưu tiên vào đại học.
Đại diện Sở GDĐT Hà Tĩnh cho rằng, kỳ thi IELTS đã được quốc tế cũng như Bộ GDĐT công nhận để đánh giá năng lực ngoại ngữ. Vì vậy, không thể nói dùng IELTS để đặc cách là khập khiễng so với kỳ thi HSG tỉnh.
Theo ông Nam, nhiều người cho rằng thi HSG thì đề thi phải thật khó. Trong khi đó, thi chứng chỉ IELTS thì phải đạt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, còn thi HSG tỉnh chưa có phần thi nói. Theo thông tư 01 của Bộ GDĐT thì chuẩn đầu ra của lớp 12 chỉ có B1 tương đương với IELTS 4.0, còn riêng Hà Tĩnh, đặc cách HSG thì IELTS phải đạt 7.0 trở lên (tương đương với C1), cao hơn 2 bậc so với quy định và bằng chuẩn của giáo viên THPT.
Liệu có công bằng?
Trên thực tế, theo quy định của Bộ GDĐT từ năm 2016, việc thi HSG tỉnh không bắt buộc các tỉnh phải tổ chức triển khai mà tùy theo đánh giá của từng tỉnh. Bộ cũng khuyến khích đánh giá HSG tỉnh theo hướng nhẹ nhàng và tiếp cận phẩm chất, năng lực của học sinh.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, không nhất thiết phải tổ chức kỳ thi HSG mà có thể xét công nhận qua việc sử dụng kết quả thi IELTS như cách Hà Tĩnh đang làm. Bởi bản chất của HSG cần ủng hộ đó là không phải những HSG trên giấy tờ mà danh hiệu HSG phải có tiêu chuẩn và tiêu chuẩn đó cần gắn liền với đời sống. Những học sinh sở hữu chứng chỉ IELTS từ 7.0 trở lên sẽ không chỉ đọc hiểu, ngữ pháp tốt mà cũng nghe, nói tốt – điều mà các kỳ thi HSG truyền thống trong nước chưa đề cập đến.
Tuy nhiên, để công bằng với tất cả các thí sinh khác, nên cân nhắc với việc công nhận các chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn quốc tế khác hoặc các chứng chỉ nội như Vstep. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc đến yếu tố luyện thi vì không phải mọi học sinh đều có điều kiện tham gia kỳ thi IELTS với chi phí vài triệu đồng, nhất là những học sinh nhà nghèo. Trong khi đó, những gia đình khá giả có thể cho con thi vài lần để cải thiện kết quả nên việc công nhận này vẫn có phần thiệt thòi cho một số thí sinh.
ThS Mai Tuyết Nhung (Trường ĐH Thương mại) cũng cho rằng, việc các trường đại học quy định tuyển thẳng HSG, trong đó có HSG môn tiếng Anh sẽ gây bất lợi cho một số thí sinh khác, vì trong khi các tỉnh chỉ có một số lượng HSG nhất định thì HSG môn này của Hà Tĩnh lên đến gần 100 em và thậm chí là hơn thế nữa. Vì vậy, các trường ĐH cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này, có thể coi đây là một trong các tiêu chí để xét tuyển, cộng điểm thay vì tuyển thẳng sẽ gây mất công bằng cho các thí sinh khác.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng việc đặc cách của Hà Tĩnh không nhằm để cạnh tranh không công bằng với các thí sinh của tỉnh khác. Tỉnh cũng không thể can thiệp được vào quy chế tuyển sinh của các trường đại học.