Phiên tòa xét xử đại án nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB Phạm Công Danh rút ruột hơn 9.000 tỷ đồng đã bước sang ngày thứ 4 với nhiều lời khai mâu thuẫn giữa nhân viên và nguyên chủ tịch HĐQT về các “mánh lới” rút tiền ngân hàng.
Phạm Công Danh tại phiên tòa.
Rút tiền ngân hàng không cần hồ sơ?
Liên quan đến hành vi rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ, chứng từ vay, đại diện hợp pháp của ông Trần Hoài Phục, Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung là bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho rằng, 3 cá nhân gửi tiền kháng cáo yêu cầu hoàn trả lại 6 số tiết kiệm trị giá 300 tỷ đồng. Các sổ tiết kiệm không liên quan đến các khoản vay của bất kỳ tổ chức cá nhân nào và đề nghị trả lại.
Theo bà Thảo những cuốn sổ tiết kiệm của 3 cá nhân này gửi vào khoảng tháng 12/2013. Theo nguyên tắc, việc gửi tiền tiết kiệm thì người gửi tiền giữ sổ, nhưng trong 3 trường hợp này, họ đang xem xét việc vay tiền nhưng sau đó không vay nữa cũng như không ký hồ sơ vay, tức là tài sản của họ vẫn đảm bảo.
Bà Thảo cũng cho hay, việc để sổ tiết kiệm tại ngân hàng VNCB là an toàn nhưng đến khi các cá nhân này có nhu cầu lấy lại sổ tiết kiệm thì VNCB không trả sổ và lúc đó họ có yêu cầu các đơn vị pháp lý vào cuộc, nhiều lần đòi lại, thậm chí có văn bản yêu cầu trả sổ tiết kiệm nhưng văn thư của VNCB không nhận văn bản.
“Sau đó luật sư của chúng tôi gửi công văn. Công văn được gửi trước thời điểm khởi tố vụ án”, bà Thảo nhấn mạnh.
Hội đồng xét xử (HĐXX) truy ngược, số tiền 300 tỷ là rất lớn nhưng tại sao lại để sổ tiết kiệm rất lâu như vậy, sao không đến ngân hàng rút? Đại diện của 3 cá nhân này cho rằng do tin tưởng ngân hàng và vẫn được nhận lãi hàng tháng thông qua tài khoản. Do vậy, các sổ tiết kiệm này không phải dành để đảm bảo bất kỳ khoản vay nào.
Lính “tố”, sếp “chối”
Cũng liên quan đến hành vi này, khi HĐXX thẩm vấn bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB thì Mai cho rằng có việc ngân hàng giải ngân 300 tỷ đồng, và khoản vay này nằm trong quyền hạn của chi nhánh Sài Gòn.
Theo bị cáo Mai, việc vay mượn là đúng quy trình của VNCB. Thời điểm đó, ngân hàng có khó khăn nên việc cho vay không cần thủ tục đầy đủ.
“Dù có khó khăn về mặt tài chính nhưng việc cho vay không cần thủ tục đầy đủ thì lời trình bày của bị cáo có mâu thuẫn”, HĐXX đặt vấn đề.
Phan Thành Mai thừa nhận là có thiếu sót.
Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời thẩm vấn của HĐXX thì bị cáo Mai Hữu Khương, nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn cho rằng có sai trong thủ tục, dù không có hồ sơ gốc,và khi nhập kho sổ tiết kiệm của 3 cá nhân này thì không có 3 chữ ký của 3 người gửi tiền (?!).
Khi được HĐXX thẩm vấn về trách nhiệm của chủ tịch HĐQT ngân hàng trong vấn đề này, bị cáo Phạm Công Danh cho rằng, bị cáo đã rất bàng hoàng và sửng sốt vì được nghe bị cáo là người chỉ đạo hành vi này.
Trong khi đó, sau khi HĐXX cho đối chất thì chính Mai Hữu Khương vẫn cho rằng việc cho vay nợ chứng từ là do bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo bằng miệng.
Tuy vậy, Khương lại thừa nhận là trong lúc làm hồ sơ vay vốn của 3 bị cáo này thì… Khương không biết mục đích vay vốn của 3 cá nhân này.
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 3 cá nhân bày khi thẩm vấn Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai về quy trình cầm cố sổ tiết kiệm, nhận lãi từ gửi sổ tiết kiệm nhưng bị cáo Mai và Khương điều từ chối trả lời vì đã trả lời rồi.
Vị đại diện Ngân hàng Xây dựng (hiện đã đổi tên thành CB) có mặt tại tòa khi nhận được âu hỏi của luật sư Thụy Uyên “Ngân hàng là bị hại trong vụ án này thì bị cáo gây thiệt hại hay khách gửi tiền gây thiệt hại” nhưng không được vị đại diện CB trả lời. Một số câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của ngân hàng nếu khách hàng không ký giấy tờ nhưng ngân hàng vẫn cho giải ngân cũng không được đại diện CB trả lời.
Khách hàng đòi tiền
Ông Trần Hoài Phục, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang cũng được thẩm vấn và cho hay, họ dự định vay vốn nên đưa số cho ngân hàng giữ, sau đó không có nhu cầu vay của ngân hàng nữa nên đã gửi lại sổ tiết kiệm để ngân hàng giữ vì tin tưởng để khi nào cần thì vay.
“Tôi khẳng định trực tiếp đến gửi tiền, còn lời khai của các bị cáo thế nào thì tôi không giải thích được”, ông Phục trả lời HĐXX.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung và Ngô Bích Thùy Trang khi được thẩm vấn cũng cho rằng họ không phủ nhận lời khai tại cơ quan điều tra và khẳng định các sổ tiết kiệm là tài sản của mình. Sự có mặt của họ tại phiên tòa này là nhằm đòi lại các sổ tiết kiệm.
Có mặt tại tòa, bà Trần Ngọc Bích cho biết bà kháng cáo VNCB phải trả 5.190 tỷ đồng và lãi phát sinh. Các khoản vay ngày 21/6/2013, bà Bích đã trả hết nợ cho VNCB, đồng thời yêu cầu giải tỏa kê biên bất động sản Long Hải để chuyển nhượng cho bà. Việc thu hồi tiền của bà và ông Thanh là ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi gửi tiền vào ngân hàng.
Theo bà Bích, việc thực hiện vay 5.190 tỷ đồng thực hiện vào hai thời điểm sau đó đã tất toán. Sau đó, bà Bích và các cá nhân khác liên quan đã khởi kiện VNCB hồi năm 2014 ở tòa án nhân dân quận 3, TP HCM và cho biết yêu cầu của các cá nhân trong vụ liện tại tòa án quận 3 và tại phiên tòa này không giống nhau.