Đại biểu Quốc hội đề xuất cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời hỗ trợ giá thuê nhà, cũng như đơn giản điều kiện cho vay khi mua nhà ở xã hội.
Sáng 24/5, thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết trong bối cảnh nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng cấp thiết, đặc biệt tại các đô thị lớn và khu công nghiệp, trong khi việc triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế thiếu linh hoạt, thủ tục kéo dài và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết những người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và đô thị lớn trên cả nước đều mơ ước có một mái nhà nhỏ để an cư, nuôi dạy con cái. Dù vậy, việc tiền lương không tăng nhưng giá nhà, giá tiêu dùng tăng liên tục nên dù chỉ là một mong muốn bình thường nhưng việc sở hữu được căn nhà vẫn chỉ là mơ ước.
“Dù nhiều chính sách được triển khai nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới hơn 10 triệu đồng/tháng, người lao động phải lo toan đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học, viện phí, tiền thuê nhà nên việc tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với,” bà Trân chia sẻ.
Theo nữ đại biểu, giá nhà dù đã gọi là nhà ở xã hội nhưng vẫn vượt quá xa khả năng người lao động, bởi “Cùng với tiêu chí, quy trình, quy định, thủ tục được xét duyệt đưa ra, nhiều người muốn đăng ký nhưng rồi lại từ bỏ việc không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật.
Từ dẫn chứng trên, theo đại biểu đoàn Bình Dương, một chính sách nhân văn nếu đi vào cuộc sống sẽ không chỉ giúp người lao động an cư mà còn giúp đất nước phát triển bền vững. Bởi chỉ khi người lao động có chốn đi về ổn định thì họ mới có thể yên tâm lao động, tái tạo sức lao động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Cũng tham gia phát biểu, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) chia sẻ nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn và đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung đang rất hạn chế và thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và hơn hết là người dân có nhu cầu thật thì khó tiếp cận được sản phẩm phù hợp.
“Công nhân, người thu nhập thấp vẫn đang phải sống trong điều kiện thuê nhà trọ kém chất lượng, không ổn định, có nơi phải trả mức với mức giá về cao, ảnh hưởng đến an sinh, hiệu suất lao động và sự phát triển bền vững của đô thị,” ông Tuấn nói.
Để sản phẩm nhà ở xã hội thực sự đến tận tay những người có thu nhập thấp, những công nhân lao động để an cư lập nghiệp, ông Tuấn cho rằng nên cho vay ưu đãi dài hạn từ Quỹ nhà ở quốc gia hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời cấp bù lãi suất hoặc hỗ trợ giá thuê nhà, đơn giản điều kiện cho vay và có thể dùng căn hộ đó để làm tài sản đảm bảo. Chính sách này có thể triển khai ở các tỉnh, thành phố lớn có đông lực lượng công nhân lao động.
Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), đối tượng cần nhà ở xã hội chủ yếu là người trẻ mới ra trường cần có việc làm, lương thấp, nghề nghiệp chưa ổn định nên rất khó khăn trong việc được tiếp cận. Do vậy cần tăng cường nhà ở cho thuê và có những chính sách để hỗ trợ người lao động tiếp cận được với giá phù hợp.
Dẫn số liệu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (đoàn Trà Vinh) cho biết hơn 1,2 triệu công nhân làm việc xa quê không có nơi ở ổn định nhưng chính sách giới hạn hộ khẩu trên số sở hữu trong địa bàn tỉnh khiến họ không thể mua hoặc thuê nhà ở xã hội, từ đó đại biểu đề nghị mở rộng điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội theo hướng lấy nơi làm việc ổn định làm căn cứ thay vì chỉ dựa vào hộ khẩu hoặc địa bàn cư trú như quy định trong Luật Nhà ở.
Cụ thể, người lao động đang làm việc tại địa phương không có dự án nhà ở xã hội nếu có xác định của cơ quan sử dụng người lao động vẫn được mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại địa phương khác. Quy định này phù hợp với thực tiễn di cư lao động, đặc biệt là với hàng triệu công nhân nhập cư tại các đô thị công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh, thành phố lớn còn lại.
Ngoài ra, về cơ chế thuê nhà ở xã hội ở Điều 10, theo bà, nhiều địa phương chỉ ưu tiên đối tượng công nhân khu vực công nghiệp, bỏ sót lực lượng giáo viên, y bác sĩ trẻ về vùng sâu, miền núi nơi khan hiếm nhân lực và điều kiện sống khắc nghiệt. Mô hình thuê đã được thử nghiệm tại Bình Dương, giúp cho người thuê nhà ở xã hội tích lũy dần và trở thành sở hữu sau 5 đến 7 năm, mang lại hiệu quả kép, giảm gánh nặng chi phí ban đầu và ổn định chỗ ở lâu dài.
“Nên mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội bao gồm đội ngũ giáo viên mới ra trường, bác sỹ trẻ, cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, bổ sung cơ chế thuê mua sau thời gian sử dụng ổn định, ví dụ người thuê được chuyển quyền mua nhà ở xã hội sau tối thiểu 5 năm cư trú liên tục và không vi phạm hợp đồng, cách này không chỉ tạo động lực ổn định đời sống mà còn giúp giảm áp lực về sở hữu nhà ngay cho người lao động,” đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm nêu ý kiến.
Liên quan đến giá bán nhà ở xã hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đề nghị nghiên cứu một phương án áp giá trần để doanh nghiệp chủ động. “Có những doanh nghiệp bán lỗ vì mục đích xã hội, thậm chí có doanh nghiệp xác định lại ít hay kết hợp thì cũng tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí còn làm cho sản phẩm nhà ở xã hội rẻ hơn,” đại biểu nói.
Giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết trong gần 5 năm qua, cả nước mới triển khai được 679 dự án với 623.000 căn hoàn thành. Đến giờ này là 108 dự án và hoàn thành 73.000 căn, tương đương với khoảng 15% và có 416 dự án mới được chấp thuận chủ trương và đang triển khai.
Riêng năm 2025, chỉ tiêu là 100.000 căn, cho đến nay mới triển khai được 15.600 căn hoàn thành, còn lại 19.492 căn mới được khởi công. Như vậy, năm 2025 mới đạt được khoảng 44%. Nguyên nhân là do vướng mắc ở thế chế, chính sách, thủ tục và quy trình triển khai thực hiện.
Trước ý kiến về quy định giá sàn, Bộ trưởng cho rằng việc quy định giá sàn là khó thực hiện và tất cả phải ở dưới địa phương và sẽ có hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.
“Sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ phê duyệt giá tổng dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10%. Nếu đưa ra giá sàn tới đây khoảng 34 tỉnh thành và mỗi nơi không thể đưa một giá sàn chung được. Mỗi nơi có một đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau, chúng ta phải quy định theo giá của dự toán,” Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói.