Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh việc làm thế nào để lựa chọn người đủ đức, đủ tài, đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thượng tọa Thích Đức Thiện.
PV:Thưa Thượng tọa, chúng ta nên làm thế nào để nâng cao chất lượng của các ĐBQH kỳ tới, tránh bầu nhầm những ĐBQH không đủ đức, đủ tài?
Thượng tọa Thích Đức Thiện: Việc nâng cao chất lượng của ĐBQH là một yêu cầu của thực tiễn, nhất là khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc này cũng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tính đến và mong muốn Hội đồng Bầu cử Quốc gia bên cạnh tính đại diện cũng phải nâng cao chất lượng ĐBQH. Để làm được điều này trước hết chúng ta phải phát huy tinh thần dân chủ mà Đại hội Đảng lần thứ 12 vừa nêu đó là “phải nâng cao, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp tới đây chính là sự thể hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa”. Đây chính là câu trả lời đích thực nhất cho người dân rằng dân chủ là thực tế chứ không phải dân chủ bằng lời nói hoặc khẩu hiệu.
Về vấn đề này nhiều đại biểu cho rằng, chúng ta phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách, giảm số lượng đại biểu ở các cơ quan hành pháp hành chính. Vì vậy, ĐBQH phải tăng về số lượng chuyên trách và nâng cao chất lượng của các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn, các tổ chức nghề nghiệp… để tìm ra được những đại biểu đủ đức, đủ tài. Tuy nhiên, muốn tìm ra các đại biểu có chất lượng cần phải có số dư vừa đảm bảo chất lượng của đại biểu nhưng cũng vừa đảm bảo được tính dân chủ để trên cơ sở đó Hội đồng Bầu cử Quốc gia có thể dự kiến phân bổ về số lượng ĐBQH.
Thượng tọa vừa nói để lựa chọn được những ĐBQH đủ đức, đủ tài thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia cần phải dự kiến số dư tối thiểu. Vậy, UBTƯ MTTQ Việt Nam với tư cách là một tổ chức đứng ra hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH cũng cần phải xây dựng cho mình một số dư nhất định?
- Đúng vậy, UBTƯMTTQ Việt Nam cũng cần xây dựng số dư nhất định vì đây là quyền của MTTQ, quyền này sẽ thể hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ đã được quy định trong Luật đó là nơi tập hợp lực lượng, đoàn kết trong xã hội. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ đó Mặt trận cần chủ động xây dựng cho mình một khung số dư, chủ động giám sát quá trình bầu cử. Có như vậy chúng ta mới nâng cao được chất lượng của ĐBQH. Tôi tin tưởng rằng kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp tới đây sẽ thành công rực rỡ, đem lại niềm tin, sinh khí, sự lạc quan đồng thời cũng là lời hiệu triệu cho người dân Việt Nam tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiều kỳ Quốc hội trước việc kê khai tài sản của ĐBQH chưa hiệu quả. Vậy lần này việc kê khai tài sản cần có sự giám sát như thế nào để không bỏ lọt những người sau khi đã tái cử lại bị vướng vào những tin đồn rằng “kê khai tài sản không minh bạch”, thưa Thượng tọa?
- Việc kê khai tài sản đang là vấn đề hết sức khó khăn không chỉ đặt ra đối với Hội đồng Bầu cử Quốc gia mà cả các cơ quan của Chính phủ. Việc này xuất phát từ việc nguồn tài sản, thu nhập của cá nhân cho phép kê khai một cách minh bạch mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào tính tự giác của ĐBQH. Tuy nhiên không phải như thế mà chúng ta dừng lại, chúng ta phải phối hợp với cả chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử địa phương, MTTQ để lấy ý kiến nhân dân vì ý kiến của nhân dân là ý kiến chính xác nhất. MTTQ Việt Nam với vai trò giám sát, phản biện xã hội cũng phải phát huy ý kiến của nhân dân trong việc giám sát tài sản.
Thưa Thượng tọa, trong những năm vừa qua nhiều cử tri băn khoăn ý kiến của họ không được những người đại diện gửi tới Quốc hội?
- Tôi thấy thực tế này có, ngay cả trong báo cáo đi tiếp xúc cử tri cũng không báo cáo rõ kỳ trước đã nhận được những ý kiến như thế nào và những ý kiến đó đã được phản ánh tới Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra sao. Cái đó cần phải đặt ra yêu cầu cụ thể.
Vậy đó có thể được xem là một tiêu chí để đánh giá chất lượng đại biểu hay không, thưa Thượng tọa?
- Theo tôi, đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng ĐBQH, ĐBQH nếu chỉ là đại diện thôi chưa đủ. Điều này đã được phản ánh trong các kì Quốc hội trước đó, có những đại biểu đến dự nhưng không hề có ý kiến phát biểu, không có chính kiến và việc phát biểu chỉ tập trung vào một số người nhất định. Vì thế, quay đi quay lại chúng ta đã biết họ sẽ nói gì cho dù đại biểu đó giỏi thật nhưng tri thức con người hữu hạn nên cần phải có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề đó thì mới tìm được tiếng nói chung.
Trong kỳ bầu cử ĐBQH lần này cử tri Phật giáo có mong muốn gì và cơ cấu tham gia ĐBQH ra sao thưa Thượng tọa?
- Vừa qua tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, chúng tôi đã có bản dự kiến về cơ cấu thành phần, phân bổ. Đối với tôn giáo số lượng ĐBQH cũng giống như Quốc hội khóa 13 có 6 đại biểu tôn giáo ở địa phương tham gia vào ĐBQH Khóa 14 này. Tuy nhiên, đối với Phật giáo số lượng đại biểu hiện nay chỉ còn có 3 trong khi các kỳ trước đều có 4 đại biểu. Trong lịch sử Phật giáo đã có vị Hòa thượng là Phó Chủ tịch Quốc hội và điều đó đã phản ánh truyền thống lịch sử của Phật giáo Việt Nam hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc. Phật giáo không chỉ quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của Phật tử mà Phật giáo quan tâm đến tất cả các ý kiến của mọi người dân. Các ĐBQH đại diện cho tiếng nói của Phật giáo đều là những người xứng đáng, đại diện cho cử tri Phật giáo tham gia ĐBQH. Trên thực tế, tại diễn đàn Quốc hội nhiều ĐBQH đại diện Phật giáo đã tham gia góp ý không chỉ các vấn đề văn hóa – xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh mà còn tham gia cả vào sự phát triển kinh tế, đối ngoại nhân dân.
Trân trọng cám ơn Thượng tọa!