Chính trị

Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp: Chất lượng quan trọng hơn số lượng

H.Vũ (thực hiện) 01/04/2025 10:00

Với việc giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh; 60-70% đơn vị hành chính cấp xã; bỏ đơn vị hành chính cấp huyện thì số lượng đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ như thế nào - đó là vấn đề đang được đặt ra.

Theo ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội (nay là Uỷ ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) cần quan tâm chất lượng đại biểu thay vì số lượng.

ông Trường
Ông Lê Việt Trường.

PV: Thưa ông, hiện dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Với việc giảm đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện thì theo ông chúng ta có nên giảm số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp?

Ông Lê Việt Trường: Theo tôi có lẽ phải giảm số lượng đại biểu sau sắp xếp, sáp nhập. Như đại biểu Quốc hội, luật quy định không quá 500 đại biểu. Nhưng trước đây có thời kỳ như khoá IX chúng ta chỉ có gần 400 đại biểu.

Về số lượng đại biểu chúng ta cần tính toán số lượng đại biểu làm sao để đảm bảo tính đại diện của các giai tầng trong xã hội, đại diện cho người dân trong thực hiện quyền lực nhà nước một cách thực chất nhất. Khi chính quyền còn 2 cấp thì phải có sự đổi mới, nhất là tới đây chúng ta sẽ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì làm sao số lượng đại biểu phải phù hợp với việc tổ chức bộ máy sau khi đã thực hiện sắp xếp, tinh gọn lại.

Cơ chế vận hành để vẫn bảo đảm chính quyền là cơ quan của dân, do dân, vì dân thì tính đại diện rất quan trọng. Vận hành làm sao để tỉnh xuống thẳng cấp cơ sở. Trước kia tại cấp xã có HĐND xã giám sát cơ quan hành pháp. Huyện và tỉnh cũng tương tự. Nhưng trong quá trình thực hiện thấy hiệu quả tại một số nơi đã giảm đi, không còn thực chất nữa. Bây giờ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy đặt ra vấn đề cần đổi mới. Hiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đề xuất quy định về thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định các chức danh lãnh đạo cấp xã, bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND. Đây là đề xuất hợp lý vì sẽ có HĐND cấp xã với tư cách là người dân địa phương, cử tri địa phương bầu ra. Cơ chế này sẽ giám sát Chủ tịch UBND xã vì Chủ tịch UBND xã là đại diện của Chủ tịch UBND tỉnh cử xuống làm việc. Nếu làm việc không tốt ở địa phương, nhiều bê bối thì HĐND xã có thể ra Nghị quyết đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh rút ông kia và đưa người khác về. Đó là cái mới và gắn với trách nhiệm cá nhân rất cao, như thế hiệu quả công việc mới tốt được.

Thế nhưng việc cơ cấu đại biểu còn căn cứ vào số lượng người dân tại khu vực đó để đảm bảo tính đại diện. Vậy với việc sáp nhập thì số lượng đơn vị hành chính sẽ giảm, còn dân cư tại các đơn vị hành chính sẽ đông hơn, thưa ông?

- Để bảo đảm cơ cấu tối thiểu sẽ ấn định bao nhiêu đơn vị hành chính cấp tỉnh có bao nhiêu đại biểu Quốc hội cơ cấu cứng. Tôi nói ví dụ bình quân 3-5 đại biểu, hay 5-7 đại biểu là cơ cấu cứng, sau đó cứ 200 nghìn dân thì thêm 1 đại biểu. Ngay bây giờ các tỉnh, thành rộng, đông dân cư như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hoá, Nghệ An… vẫn đang có số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiều hơn so với các tỉnh khác. Nhưng tới đây có thể là hơn 300 nghìn dân thì thêm 1 đại biểu, đi kèm với phần cứng là 3-5 đại biểu, hay 5-7 đại biểu.

Thực tế nhiều nước trên thế giới có dân số đông nhưng cũng có không nhiều đại biểu. Như nước Mỹ rộng và đông dân nhưng cũng chỉ có hơn 500 đại biểu, thưa ông?

- Tôi cho rằng quan trọng là chất lượng đại biểu như thế nào. Với đại biểu Quốc hội, “xuân thu nhị kỳ”, 2 kỳ họp trong 1 năm, 1 nhiệm kỳ với 10 kỳ họp thì dễ. Nhưng quan trọng là làm đại biểu phải tham gia tiếng nói, góp phần hoạch định chính sách, giám sát bộ máy nhà nước để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Cho nên quan trọng là chất lượng chứ nhiều cơ cấu, thành phần thì chưa chắc đã chọn ra được người tốt. Cho nên cần có cải cách trong bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, số lượng không quan trọng bằng chính chất lượng.

Có ý kiến cho rằng, số lượng đại biểu là đông nhưng có những đại biểu cả khoá không thấy phát biểu hay thể hiện chính kiến. Vậy sẽ đại diện cho người dân như thế nào? Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Tôi nói ví dụ tại Quốc hội, chúng ta cứ theo dõi trên nghị trường có thể thấy. Có những người có bao giờ thấy phát biểu đâu, hoặc có phát biểu thì cầm 1 bản được chuẩn bị sẵn để đọc. Do đó đã là đại biểu thì phải đại diện cho dân chứ không phải chỉ đủ về số lượng, hình thức.

Thưa ông, dù là đại biểu Quốc hội hay đại biểu HĐND thì vấn đề quan trọng phải là thực chất, nhất là phải có năng lực thì mới giám sát và hoạch định chính sách được?

- Tôi ví dụ nếu thực hiện cơ chế Chủ tịch UBND xã do Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định thì sẽ không phụ thuộc vào người trong làng, trong xã. Vì thế cho nên đại biểu HĐND có cơ chế giám sát và sẽ không “ngại” nữa. Trước kia Chủ tịch UBND xã là người trong làng, trong họ, trong xã thì nhiều khi “chín bỏ làm mười”, tính phản biện, tính đấu tranh sẽ suy yếu đi. Nhưng sau này khi cấp xã lớn và cơ chế Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định đối với Chủ tịch UBND xã thì chủ tịch có thể là người không phải quê quán ở đó. Lúc đó trong giám sát thì đại biểu HĐND có thể sẽ dám nói, dám nghĩ, dám đấu tranh.

Khi bộ máy còn nặng về lãnh đạo chịu trách nhiệm tính chất tập thể, thành tích thì cá nhân nhận, còn khuyết điểm thì lại đổ cho tập thể. Nhưng đến khi tinh gọn, giảm số lượng con người xuống thì trách nhiệm của mỗi người sẽ tăng lên. Địa chỉ xác định “trách nhiệm” sẽ rõ ra. Đây là điều kiện tốt để tăng cường, thuận lợi hơn trong giám sát. Nguyên tắc chung là việc định ra tổ chức, sau đó tổ chức mới tính đến nhân sự, và bao nhiêu việc thì cần bấy nhiêu người.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp: Chất lượng quan trọng hơn số lượng