Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tuy nhiên, việc khống chế đại dịch HIV/AIDS hiện vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại. Trong đó, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Nghệ An là những tỉnh có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số nhiễm HIV cao.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại và cách phòng tránh HIV.
Lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng phức tạp
Sự việc 490 người ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) lấy máu xét nghiệm và phát hiện có 42 người dương tính HIV tháng 8 vừa qua vẫn còn ám ảnh nặng nề. Kim Thượng là xã miền núi khó khăn, 97% là đồng bào dân tộc, trong đó 85% là người dân tộc Mường. Làng quê vốn yên bình là thế mà từ khi có thông tin này, cuộc sống của bà con xáo trộn hoàn toàn. Những gương mặt thất thần lo lắng, chẳng ai còn thiết làm ăn nữa mà sống thu mình lại trong những căn nhà vốn đã ảm đạm nay càng trở nên quạnh quẽ hơn.
Đáng nguy hiểm hơn thay vì một sự chia sẻ, đồng cảm thì người nhiễm HIV lại đang bị những người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Theo Cục Phòng chống HIV AIDS, những sai lầm trong truyền thông trước đây đã vô tình đẩy bệnh nhân HIV vào chỗ “đây là bệnh tử thần”, người dân hiểu rằng HIV là chết, HIV là do mại dâm và nhiều điều xấu xa khác.
Về phía bệnh nhân HIV và ngay cả với người thân của họ, do chưa được tư vấn tâm lý một cách kỹ càng, khi đối diện với một chấn thương tâm lý lớn như bị nhiễm HIV hầu hết đều sụp đổ. Thực tế, không riêng HIV, những người bệnh nan y như ung thư nếu không cải thiện về mặt tâm lý và sống lạc quan thì rất nhanh chóng suy sụp và tử vong. Ngược lại, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS nếu duy trì được trạng thái tâm lý tốt, người bệnh vẫn có thể sống khỏe trong một thời gian rất dài, có thể là 20 năm hoặc hơn thế nữa.
Quay lại trường hợp 42 người bị nhiễm HIV ở xã Kim Thượng, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã đánh giá đây là một tỷ lệ khá cao nhưng không phải duy nhất. Hiện có 61 xã trên cả nước cũng có tỷ lệ cao, nhiều xã đang có số lượng người nhiễm HIV từ trên 50 người trở lên.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vẫn cho rằng sự việc tại xã Kim Thượng là hồi chuông cảnh báo về diễn biến lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng phức tạp. Tại Nghệ An, số người nhiễm HIV ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… chiếm tỉ lệ lớn. Điện Biên, một trong những địa phương phát hiện số người nhiễm HIV cao nhất cả nước, những năm qua, dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, cần giải pháp ngăn ngừa triệt để hơn.
Hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch
Để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó, các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho các nhóm nguy cơ cao; tiếp tục duy trì và tích cực mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh truyền thông, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Y tế các tỉnh cần đẩy mạnh giám sát và phát hiện HIV chủ động, đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV như xét nghiệm tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, tại gia đình và tự xét nghiệm HIV; triển khai xét nghiệm HIV chủ động tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là ở các cụm dân cư có nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV; mở các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV dương tính tại tuyến huyện ở khu vực vùng sâu, vùng xa để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn.
Về công tác điều trị, các cơ sở y tế khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả những người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện; mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã và cấp phát thuốc nhiều tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn các cơ sở điều trị và các điều kiện cần thiết khác để bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2019.
* Mặc dù đại dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Điều đáng nói là vẫn còn khoảng 20% số người nhiễm HIV chưa biết mình mắc bệnh, vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.