Sáng 1/12, tại thành phố Bắc Giang đã diễn ra Lễ mít tinh, diễu hành cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2019.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ mít tinh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Hiện trên thế giới đã có trên 72 triệu người bị nhiễm HIV và gần một nửa trong số đó đã chết. Ở Việt Nam phát hiện HIV muộn hơn, trường hợp đầu tiên vào những năm 1990 và đến nay đã có trên 315 ngàn người bị nhiễm HIV. Trong số đó đã có hơn 110 ngàn người bị chết. Nhờ sự chung tay của toàn thế giới, đại dịch đã từng bước được kiểm soát. Số người bị nhiễm mới, số người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, số người bị chết đã giảm dần…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu 90- 90 -90 vào năm 2020, Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể và tập trung vào việc phòng và điều trị. Chắc chắn trong năm 2020 Việt Nam phải đạt được 90% số người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng ARV. Do đó, các ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, vận động và có các biện pháp tiếp cận đảm bảo quyền riêng tư và lợi ích cho người nhiễm HIV.
Cả nước có hơn 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV; gần 5.000 người đang được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; hơn 54.000 người nghiện ma túy đang được điều trị bằng Methadone. Mỗi năm có khoảng 3 triệu người được xét nghiệm HIV; hàng chục triệu lượt người được tiếp cận truyền thông, bao cao su, bơm kim tiêm...
Năm 2019 là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả ba tiêu chí. Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới đang được áp dụng tại Việt nam, điển hình là việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4, cấp thuốc ARV 3 tháng một lần cho những người tuân thủ điều trị tốt; tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và Buprenorphine.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS, ông Eamonn Murphy- Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực trong việc nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới nhằm mang đến nhiều lựa chọn hơn trong sử dụng dịch vụ, thúc đẩy việc tiếp cận dễ dàng hơn tới các dịch vụ phòng chống HIV thân thiện với khách hàng. Với việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống HIV/AIDS và xây dựng Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy và thể chế hóa các cách tiếp cận táo bạo, dựa trên bằng chứng và quyền, huy động được trí tuệ, công sức của cộng đồng, toàn xã hội, để hướng đến mục tiêu lớn lao về kết thúc dịch AIDS.
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.