Quốc tế

Đài Loan và khả năng ứng phó động đất

Hà Anh 05/04/2024 08:26

Dù trận động đất được ghi nhận với cường độ mạnh, nhưng những thiệt hại đang thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) khiến nhiều người tò mò về khả năng ứng phó với động đất của hòn đảo công nghệ cao này.

anhbaitren(2).jpg
Một tòa nhà bị sập sau trận động đất ở Hoa Liên, Đài Loan (Trung Quốc), ngày 4/4/2024. Nguồn: Reuters.

Ngày 3/4, đảo Đài Loan hứng chịu trận động đất mạnh nhất trong 25 năm, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, các tòa nhà và đường cao tốc bị hư hại, hàng chục công nhân bị mắc kẹt tại các mỏ đá.

Trận động đất xảy ra vào giờ cao điểm buổi sáng, đúng lúc người dân chuẩn bị đi làm và đi học, tập trung ở huyện Hoa Liên - nơi có dân cư thưa thớt. Tại thành phố Đài Bắc, các tòa nhà cũng ghi nhận sự rung chuyển dữ dội, nhưng thiệt hại và gián đoạn ở đây là rất nhỏ. Theo Sở cứu hỏa Đài Loan, số người bị thương đã lên tới 1.038 người và tổng số người mất tích đã nâng lên 48 người, trong đó có 42 nhân viên khách sạn.

Cuối ngày 3/4, Trung tâm chỉ huy quản lý thảm họa Đài Loan cho biết, việc tìm kiếm các nhân viên khách sạn bị mất tích trên đường đến Hẻm núi Taroko - một công viên quốc gia là mục tiêu chính của họ. Các nhà chức trách đã lên kế hoạch điều máy bay không người lái, trực thăng tới để tìm kiếm và thả vật tư nếu họ được tìm thấy. Những người bị mắc kẹt khác đang dần được tìm thấy và đưa đến nơi an toàn. Ngày 4/4, một chiếc trực thăng đã giải cứu được 6 công nhân bị mắc kẹt trong khu vực khai thác mỏ.

Các chuyên gia cho biết, Đài Loan không xa lạ gì với các trận động đất mạnh nhưng thiệt hại đối với 23 triệu cư dân của hòn đảo công nghệ cao này đã được kiểm soát tương đối tốt nhờ khả năng chuẩn bị ứng phó đối với động đất.

Đài Loan nằm dọc theo “Vành đai lửa” Thái Bình Dương - đường đứt gãy địa chấn bao quanh Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới. Khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi động đất do sức căng tích tụ từ sự tương tác của hai mảng kiến tạo, mảng biển Philippines và mảng Á - Âu, có thể dẫn đến sự giải phóng năng lượng đột ngột dưới dạng động đất.

Địa hình miền núi của khu vực có thể làm mặt đất rung chuyển mạnh hơn, dẫn đến lở đất. Một số vụ lở đất như vậy đã xảy ra ở bờ biển phía Đông Đài Loan, gần tâm chấn của trận động đất hôm 3/4 phía Đông huyện Hoa Liên, khi các mảnh vụn rơi xuống đường hầm và đường cao tốc, đè bẹp xe cộ và khiến một số người thiệt mạng.

Theo cơ quan giám sát động đất của Đài Loan, trận động đất hôm 3/4 có cường độ là 7,2 độ Richter, trong khi Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đưa ra con số là 7,4 độ Richter. Dù xảy ra vào giờ cao điểm, nhưng trận động đất chỉ làm gián đoạn một chút việc đi lại như thường lệ của người dân. Chỉ vài phút sau động đất, các bậc phụ huynh đã có thể lại đưa con đến trường, người lao động có thể lái xe đi làm.

Ông Stephen Gao - nhà địa chấn học và giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Missouri, cho biết: “Công tác chuẩn bị cho động đất của Đài Loan thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới. Hòn đảo đã thực thi các quy định xây dựng nghiêm ngặt, mạng lưới địa chấn đẳng cấp thế giới và các chiến dịch giáo dục cộng đồng rộng rãi về an toàn động đất”.

Chính quyền liên tục điều chỉnh mức độ chống động đất cần thiết của các tòa nhà mới và cơ sở hạ tầng hiện có, điều này có thể làm tăng chi phí xây dựng, cung cấp trợ cấp cho những người dân sẵn sàng kiểm tra khả năng chống động đất của tòa nhà nơi họ ở.

Sau trận động đất năm 2016 ở Đài Nam trên bờ biển phía Tây Nam của hòn đảo, 5 người liên quan đến việc xây dựng tòa nhà chung cư cao 17 tầng - công trình chính duy nhất bị sập, khiến hàng chục người thiệt mạng, bị kết tội sơ suất và phải ngồi tù.

Đài Loan cũng đẩy mạnh các cuộc diễn tập động đất tại các trường học và nơi làm việc trong khi các phương tiện truyền thông đại chúng và điện thoại di động thường xuyên đưa tin về động đất và an toàn.

Ông Gao cho biết: “Những biện pháp này đã tăng cường đáng kể khả năng phục hồi của Đài Loan trước động đất, giúp giảm thiểu khả năng xảy ra thiệt hại thảm khốc về nhân mạng”.

Theo USGS, Đài Loan và các vùng biển xung quanh đã ghi nhận khoảng 2.000 trận động đất có cường độ từ 4,0 độ Richter trở lên kể từ năm 1980 và hơn 100 trận động đất có cường độ trên 5,5 độ Richter.

Trận động đất tồi tệ nhất tại Đài Loan trong những năm gần đây xảy ra vào ngày 21/9/1999 với cường độ 7,7 độ Richter. Nó khiến 2.400 người thiệt mạng, khoảng 100.000 người bị thương và phá hủy hàng nghìn tòa nhà.

Theo ông Daniel Aldrich - giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học Northeastern, thảm họa kể trên là lời cảnh tỉnh lớn đối với Đài Loan, dẫn đến những cải cách hành chính quan trọng nhằm cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp và giảm thiểu thiên tai.

Ông Aldrich cho biết, các nhà quan sát chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của Đài Loan đối với trận động đất năm 1999 khi cho rằng, phải mất nhiều giờ để các đội phản ứng y tế khẩn cấp đến hiện trường, lực lượng cứu hộ thiếu đào tạo và hoạt động giữa các cơ quan chính phủ không được phối hợp tốt. Kết quả là chính phủ đã thông qua Đạo luật phòng chống và bảo vệ thiên tai và thành lập 2 trung tâm quốc gia để điều phối và đào tạo về động đất.

Trận động đất tại Đài Loan cũng gây ảnh hưởng đến bờ biển Nhật Bản. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JAMA), một đợt sóng thần cao 30cm đã được phát hiện trên bờ biển đảo Yonaguni khoảng 15 phút sau khi trận động đất ở Đài Loan diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đài Loan và khả năng ứng phó động đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO