Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình, giải pháp khắc phục thiếu hụt lao động. Thông báo nêu rõ, các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã tạo động lực để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn xảy ra; nhất là tại một số địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đây là thực tế khi dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiềm chế, xã hội “mở cửa”, các doanh nghiệp trở lại sản xuất. Suốt thời gian dài phải thực hiện những biện pháp khắt khe phòng, chống Covid-19, đến giữa tháng 10/2021, chúng ta mới trở lại khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách quá dài nên kinh tế không thể khôi phục ngay được.
Đáng chú ý, nhiều lao động đã nghỉ việc trở về quê hoặc chuyển sang làm việc khác. Vì thế, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động là vấn đề cấp bách đối với nhiều doanh nghiệp.
Vì thế, để hạn chế tình trạng thiếu hụt lao động, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Theo đó, rất quan trọng là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bảo đảm hạn chế tình trạng người lao động vì lợi ích trước mắt mà rút bảo hiểm xã hội một lần.
Từ chỉ đạo của Chính phủ càng thấy rõ việc chăm lo cho người lao động là rất cấp thiết. Ngày 28/3, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng; tối đa 3 tháng. Quyết định nêu rõ hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Về trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc UBND cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày. Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
Thiếu lao động cần được coi là vấn đề mới, vì trước nay lo có việc làm cho người lao động không hề dễ. Chính vì thế, việc chủ động của doanh nghiệp, của địa phương là rất cần thiết, mang tính quyết định. Từ thực tế thiếu lao động tại các doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp - khu chế xuất cho thấy chế độ (hay nói đúng ra là đối đãi với người lao động như thế nào) là rất quan trọng.
Thực tế cho thấy, đã có thời kỳ các “ông chủ” chưa coi trọng người lao động, đồng lương rẻ mạt, bảo hiểm không đóng, đời sống tinh thần bị bỏ qua... Người lao động chịu nhiều thiệt thòi mà không biết kêu ở đâu. Qua đó cũng thấy vai trò của công đoàn trong các doanh nghiệp cần được xem lại khi là người đại diện quyền lợi cho người lao động.