Đài phun nước Con Cóc tại vườn hoa Diên Hồng (thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ được tu bổ trong thời gian tới trên tinh thần thận trọng như một di tích.
Vườn hoa Diên Hồng, hay còn được gọi là vườn hoa Con Cóc, tọa lạc trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Gần đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận làm chủ đầu tư dự án cải tạo vườn hoa Diên Hồng. Dự án đã hoàn thành các công việc cải tạo như trồng cây xanh, lát thảm cỏ và xây dựng đường đi. Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang tiếp tục triển khai kế hoạch tu bổ hạng mục đài phun nước.
Được biết, giải pháp tu bổ dự kiến hạ giải toàn bộ phần thân, mái, đế bao gồm: mái, các tấm đá ốp thân đài, 4 cột đá, làm sạch rêu mốc. Những phần hạ giải sẽ được hoàn thiện lại theo đúng kiến trúc nguyên trạng…
Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đài phun nước Con Cóc không phải là di tích nhưng đây là công trình có giá trị về kiến trúc, vì vậy quận Hoàn Kiếm cũng rất thận trọng và giao đơn vị tư vấn thu thập hồ sơ nghiên cứu để tu bổ như một di tích.
“Mặc dù không phải là di tích nhưng xác định đây là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nên quận sẽ xin ý kiến chuyên gia và ngành văn hóa. Do vậy việc triển khai tu bổ thận trọng như một di tích từ các bước thu thập hồ sơ cho đến việc xây dựng phương án… Trong thời gian tới, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các chuyên gia, quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo Ban quản lý dự án cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh lại hồ sơ và sẽ xin ý kiến chính thức các đơn vị. Sau đó triển khai quy trình theo quy định” - ông Tùng nhấn mạnh.
KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, đánh giá cao phương pháp chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng của UBND quận Hoàn Kiếm trong việc tu bổ đài phun nước Con Cóc. Điều quan trọng nhất khi tu bổ đài phun nước là đảm bảo tính bền vững của kiến trúc. Vì vậy, chúng ta cần duy trì tối đa những thành phần cũ có thể sử dụng, chi tiết nào cần thay thế phải cân nhắc kỹ, sau đó giải quyết vấn đề về kỹ thuật.
Đồng quan điểm, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, đây là công trình kiến trúc “có một không hai” vì là công trình đầu tiên từ năm 1901 có sự kết hợp Đông - Tây. Bởi phần trên toàn bộ là kiến trúc Châu Âu, trong khi bên dưới mang đậm tính Á Đông. Dù chỉ là công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn về kiến trúc, là một điểm nhấn đô thị.
“Phương án thi công nên hạn chế sử dụng vật liệu bê tông, cốt thép vì công trình không có nhiều vấn đề về chịu lực. Quá trình tu bổ không nên làm hàng rào kín mà nên lắp kính để du khách, người dân có thể xem được quá trình tu bổ công khai. Đây cũng là hình thức tu bổ đã được làm ở nhiều công trình lớn trên thế giới” - ông Kính lưu ý.
Cách ứng xử với đài phun nước Con Cóc của UBND quận Hoàn Kiếm đã nhận được sự nhất trí cao từ phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.