Khác với đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, đái tháo đường tuýp 1 gần như không thể ngăn ngừa và đang gia tăng trong nhóm trẻ nhỏ.
Gia tăng ca mắc là trẻ em
Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em. Thế nhưng, dữ liệu từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 và có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây.
PGS.TS Trần Minh Điển - Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, gặp ở nhóm tuổi từ sơ sinh đến bất kỳ nhóm tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể phát hiện ra. Mặc dù vậy, căn bệnh này chiếm tới 90% tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở trẻ em cùng số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như 10 năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường. Hiện bệnh viện đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1.
Theo BSCKII Tạ Thùy Linh - Phụ trách Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), đái tháo đường tuýp 1 xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Đây là một bệnh lý tự miễn, có nghĩa là hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Đái tháo đường tuýp 1 thường khởi phát bệnh với các triệu chứng khá rầm rộ trong thời gian ngắn. Người bệnh có các triệu chứng khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian 2 - 6 tuần trước khi nhập viện. Một số trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê do nhiễm toan Ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong giai đoạn này người bệnh có thể có các biểu hiện khác như đau bụng thượng vị; nôn, buồn nôn dẫn đến có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.
Ghi nhận tại khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), tình trạng người bệnh được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 nhập viện điều trị khá thường xuyên, chủ yếu là những bệnh nhân trẻ tuổi, nhiều trường hợp chưa thành niên. Đa số các trường hợp này đều đã được phát hiện và điều trị tại địa phương. Tuy nhiên do chưa hiểu đúng về bệnh, thiếu kiến thức trong quá trình điều trị và sử dụng thuốc nên nhiều trường hợp không đạt mục tiêu điều trị dẫn tới nhiều biến chứng có thể gặp phải ở những người bệnh này chỉ sau vài năm.
Chú trọng phòng bệnh
BS Linh chia sẻ, khác với đái tháo đường tuýp 2, đái tháo đường tuýp 1 thường gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi và có nhiều trường hợp là trẻ em. Những đối tượng này thường ít quan tâm đến sức khỏe cũng như gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tuân thủ điều trị bệnh. Chính vì vậy, việc giáo dục sức khỏe thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với gia đình, người thân của bệnh nhân trong quá trình điều trị là yếu tố quan trong nhất quyết định kết quả điều trị. Điều quan trọng nữa là việc lựa chọn phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân cần phải phù hợp với sở thích cá nhân và thói quen sinh hoạt của người bệnh. Ví dụ thời điểm tiêm insulin có thể linh động theo thời gian đi học, làm việc của bệnh nhân hoặc lựa chọn sử dụng insulin dạng bút để bệnh nhân có thể thuận tiện mang theo khi đi học hoặc đi làm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị cũng như giảm mặc cảm, tự ti về bệnh tật với các bạn và những người xung quanh. Gia đình cũng có vai trò quan trọng hỗ trợ những trường hợp trẻ em mắc đái tháo đường khi không thể tự tiêm insulin cũng như giáo dục, giám sát và theo dõi quá trình điều trị bệnh của những bệnh nhi mắc đái tháo đường tuýp 1.
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, insulin đặc biệt quan trọng, nếu thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim… sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo BSCKII Tạ Thùy Linh - Phụ trách Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương), khác với đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, đái tháo đường tuýp 1 gần như không thể ngăn ngừa được. Đối với bệnh đái tháo đường tuýp 1, quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng của tăng đường huyết như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, đặc biệt là trẻ em. Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị đái tháo đường tuýp 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ đái tháo đường tuýp 1.