Xã hội

Đắk Lắk: Hệ thống thủy lợi ở Bông Krang đầu tư trên 20 tỷ đồng nhưng dân vẫn không có nước để sản xuất

Thanh Nga 14/04/2024 16:14

Hệ thống thủy lợi ở xã Bông Krang (huyện Lắk, Đắk Lắk) được Nhà nước đầu tư trên 20 tỷ đồng nhằm phục vụ cho bà con sản xuất lúa nước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Thế nhưng gần chục năm nay, bà con vẫn không có nước để sản xuất, gần trăm ha ruộng vẫn bỏ hoang.

Hệ thống thủy lợi trên 20 tỷ đồng “đắp chiếu”

z5341037247431_fe9cec7f07ba1e040645ca8c8f6bde1a.jpg
Trạm bơm Buôn Mă trước đây là do Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình thủy lợi - Chi nhánh huyện Lắk quản lý khai thác vận hành.

Như Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, hiện nay đang là cao điểm của vụ Đông Xuân, lúa đang thời kỳ trổ bông. Khắp mọi nơi trên các cánh đồng ở Tây Nguyên, bà đang chăm sóc lúa, có những diện tích trà đã cho thu hoạch sớm nhưng tại cánh đồng xã Bông Krang có gần trăm ha ruộng lại bị bỏ hoang vì không có nước sản xuất, trong khi hệ thống thủy lợi được đầu tư hàng chục tỷ đồng ở kề bên.

z5341030200971_b6d79bbe0903579a9835757c531aff96.jpg
Ống hút nước dẫn vào nhà máy để đưa nước vào kênh tưới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một vị lãnh đạo của Ban Quản lý Dự án huyện Lắk cho biết: Trạm bơm Buôn Mă được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đầu tư từ năm 2000-2001, nhằm dẫn nước từ hồ Lắk lên tưới cho 150 ha lúa tại các cánh đồng xã Bông Krang. Công trình gồm: 4 máy bơm; 1 kênh dẫn dài khoảng 1.500 m, (đáy kênh rộng 6 m, sâu khoảng 3 m); kênh chính dài 1.600 m; kênh N2 dài khoảng 820 m; kênh N4 dài 835 m.

dscn7035.jpg
Hệ thống kênh dẫn bỏ hoang nên bị cây mai dương phủ kín.

Công trình xây dựng xong vận hành được 4 năm thì ngừng hoạt động, với lý do địa chất khu vực kênh dẫn là đất cát và đất pha cát, do đó trong quá trình trạm bơm vận hành, hệ thống kênh dẫn bị sạt lở và bồi lấp. Sau khi công trình ngừng hoạt động thì các hộ dân canh tác dọc kênh dẫn đã sử dụng máy bơm dã chiến để bơm nước ngầm từ kênh dẫn lên để phục vụ tưới tiêu.

z5341043018201_45d08af51ad4850a474f6ed56e28f8ed.jpg
Đầu kênh dẫn nước từ hồ Lắk vào bể bơm.

Nhằm mục đích vận hành trở lại trạm bơm Buôn Mă, kiên cố hóa các hệ thống kênh tưới hiện có để phục vụ tưới nước cho 150 ha lúa, năm 2011- 2012, huyện Lắk tiếp tục đầu tư 9,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để kiên cố hóa gần 1.500 m kênh dẫn và sửa chữa lại tuyến kênh chính; kiên cố hóa các tuyến kênh N1, N3, N5 với tổng chiều dài 2.076 m. Sau khi công trình hoàn thành (cuối năm 2012) cũng chỉ hoạt động thêm được 2 năm, sau đó thì lại ngừng hoạt động với lý do mực nước hồ Lắk xuống thấp, kênh dẫn không còn nước để bơm.

Sau khi thấy trạm bơm ngừng hoạt động thì năm 2022-2023, huyện Lắk đã bố trí 7,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh và huyện để tiếp tục đầu tư kéo dài hệ thống kênh của trạm bơm Buôn Cuôr (xã Yang Tao, huyện Lắk), đoạn cuối, giáp cánh đồng Buôn Mă, để giúp cho bà con sản xuất được khoảng 60 ha lúa trên cánh đồng xã Bông Krang. Hiện, cánh đồng Bông Krang còn 90 ha ruộng không có nước để sản xuất.

Cần khắc phục để tránh lãng phí nguồn đầu tư

z5341039759657_6665a0e4ce8f6e3c7b66b88b1243643e.jpg
Cánh đồng bỏ hoang không có nước để sản xuất.

Nhắc đến hệ thống thủy lợi Buôn Mă, ông Y Khiên Dăk, Chủ tịch xã Bông Krang, (huyện Lắk) bức xúc: Kênh đất đang rộng 6 m thì sửa lại còn rộng 2 m. Trước kia khi còn là kênh đất, mạch nước ngầm nhiều, bà con đặt 3 đầu bơm, tưới thoải mái cả ngày trên các cánh đồng cũng không hết nước. Một sào ruộng khi ấy bà con sản xuất được 5 tạ lúa/vụ; một năm bà con vẫn cánh tác được 2 vụ, lúa ăn quanh năm không hết.

“Không biết vị nào nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, tham mưu, lấp lại kênh đất của bà con rồi xây dựng kênh bê tông, giờ bỏ hoang. Mùa khô nước hồ Lắk thì cạn, hệ thống kênh bê tông bít hết các mạch nước ngầm, bà con không có nước để sản xuất. Hiện bà con gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước, mùa mưa thì phải dựa vào nước mưa, mùa khô phải tự tạo nguồn để sản xuất nên chi phí đầu tư rất tốn kém và vất vả. Chính quyền địa phương đã kiến nghị nhiều lần nhưng không ai quan tâm đầu tư”, ông Y Khiên Dăk bức xúc.

z5330787031705_4318481e66b31a67ccc4cb9f8a43c882.jpg
Bà con đang tận dụng nguồn nước ngầm để cứu lúa.

Bông Krang là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn của huyện Lắk. Xã có 1 thôn, 10 buôn, dân số trên 8.000 người, hơn 1.900 hộ; xã có 2 buôn căn cứ cách mạng; bà con trong xã có 89% là người đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu là trồng lúa nước, tiêu, cà phê… nên đời sống còn nhiều khó khăn; số hộ nghèo chiếm 32%, cận nghèo 26%.

“Để tránh lãng phí nguồn ngân sách đầu tư, tôi đề nghị cấp trên quan tâm nghiên cứu, khắc phục lại trạm bơm này để bà con được hưởng lợi theo đúng mục đích đầu tư. Thực tế, bà con đã hiến rất nhiều đất cho Nhà nước để làm kênh mương phục vụ sản xuất nhưng cuối cùng hệ thống thủy lợi hoạt động không có hiệu quả, trong khi bà con thì đói, nghèo”, ông Y Khiên Dăk nói.

Ông Bùi Văn Thanh, Bí thư xã Bông Krang trăn trở, mỗi mùa khô về nhìn thấy hai cánh đồng bên Quốc lộ 27 bạc trắng, dân thì đói, nghèo không có nước để sản xuất, chúng tôi cũng rất xót xa, mong cấp trên đầu tư, cải tạo lại hệ thống thủy lợi để bà con có nước sản xuất, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

z5330792111905_ff394355583d3f7c1cc77aa6f8c17e71.jpg
Ông Nay Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk trao đổi với phóng viên.

Trao đổi với phóng viên về hệ thống thủy lợi Buôn Mă, ông Nay Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cũng rất trăn trở: "Chúng tôi rất băn khoăn vì hệ thống kênh bê tông mới, xây dựng cũng nhiều tiền, giờ đập không được mà để cũng không xong. Trước những khó khăn của dân như vậy, chúng tôi đề nghị Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xuống kiểm tra; mời các chuyên gia tư vấn thiết kế về lĩnh vực thủy lợi về nghiên cứu làm sao để khơi thông dòng chảy, phát huy công năng trạm bơm Buôn Mă để có nước cho bà con sản xuất".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Hệ thống thủy lợi ở Bông Krang đầu tư trên 20 tỷ đồng nhưng dân vẫn không có nước để sản xuất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO