Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc thiếu giáo viên, phải nhập 6 lớp thành 3 lớp

Thanh Nga 03/10/2023 14:29

Lãnh đạo huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) điều chuyển giáo viên từ trường thiếu “trầm trọng” giáo viên sang trường thừa giáo viên. Thiếu giáo viên học sinh phải nhập 6 lớp thành 3 lớp. Học sinh ngồi học chen chúc nhau trong căn phòng chật chội, khoảng cách từ chỗ ngồi đến bảng chỉ cách 70 phân. Đông học sinh, giáo viên không thể quản, chất lượng giáo dục khó đảm bảo.

Trường tiểu học Y Jút, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc.

Điều chuyển giáo viên từ trường thiếu sang trường thừa

Trường tiểu học Y Jút (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) hiện đang thiếu 7 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên Tiếng Anh. Tuy nhiên ngày 12/5/2023, lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc lại ký Quyết định số 2170 điều động bà Trần Thị Phương Dung, giáo viên (văn bằng 2, Đại học tiểu học, nguyên bản là giáo viên Âm nhạc) ở Trường tiểu học Y Jút đến nhận công tác tại Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc).

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết làm việc với ông Nguyễn Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Y Jút.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Y Jút (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) cho biết, hiện nhà trường đang thiếu 7 giáo viên, trong đó thiếu 6 giáo viên tiểu học và 1 giáo viên Tiếng Anh. Ông Hùng cho biết, Trường tiểu học Y Jút hiện có 15 lớp với 316 học sinh, trong đó 74 em người Kinh, còn lại người Ê đê (chiếm 76%). Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định, học sinh tiểu học (lớp 1,2,3,4) phải học 2 buổi/ ngày thì tỷ lệ giáo viên/ lớp là 1,5. Như vậy Trường tiểu học Y Jút có 15 lớp thì phải có 23 giáo viên mới đủ.

“Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phải nhập 6 lớp thành 3 lớp. Cụ thể: Hai lớp 5 nhập thành 1 lớp 5, nâng tổng số học sinh 52 em/1 lớp; Hai lớp 4 nhập thành 1 lớp 4, nâng tổng số học sinh 44 em/1 lớp; hai lớp 3 nhập thành 1 lớp 3, nâng tổng số học sinh lên 46 em/1 lớp. Đông học sinh, các em không có chỗ ngồi, bàn ghế phải kê sít lại với nhau mất cả lối đi. Các em ngồi học chật chội, chen chúc lên tận bảng, giáo viên đứng giảng bài rất vất vả”, ông Hùng chia sẻ.

Hai lớp 4 nhập thành 1 lớp 4, nâng tổng số học sinh 44 em/1 lớp.

Theo Thông tư số 28/2020 ngày 4/9/2020, Ban hành Điều lệ Trường tiểu học, của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, mỗi lớp học có không quá 35 em học sinh, trong khi đó tại Trường tiểu học Y Jút đang quá số lượng học sinh so với quy định.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, tình trạng thiếu giáo viên, dẫn đến học sinh phải nhập 2 lớp thành 1 lớp xảy ra từ nửa học kỳ 2 năm ngoái. Nguyên nhân là do thiếu giáo viên bởi vì một số giáo viên nghỉ hưu, một số do chuyển đổi số không theo kịp, không hoàn thành nhiệm vụ nên phải tinh giảm biên chế, cho nghỉ hưu trước tuổi…, và mới đây (ngày 12/5/2023) có 1 giáo viên Âm nhạc mới chuyển về Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc).

Điều đáng nói ở đây, Trường tiểu học Y Jút đang thiếu giáo viên trầm trọng nhưng lãnh đạo huyện Krông Pắc vẫn ký Quyết định cho bà Trần Thị Phương Dung ở Trường tiểu học Y Jút đến nhận công tác tại Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc).

“Việc bà Dung chuyển đi không ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường, vì trường đang thừa giáo viên Âm nhạc”, ông Hùng khẳng định. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Ngọc, Hiệu Trưởng Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám lại cho hay: Bà Trần Thị Phương Dung mới chuyển đến trường ông có trình độ chuyên môn: Văn bằng 2, Đại học tiểu học, nguyên bản là giáo viên Âm nhạc. Và trước đây cô giáo đã dạy tiểu học ở Trường tiểu học Y Jút. Hiện nhà trường đang phân cô giáo đi dạy tiểu học tại Trường Lê Lợi xã Ea Kênh (trường cùng xã với Trường tiểu học Y Jút) những vẫn hưởng lương biên chế tại Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết làm việc với ông Phan Xuân Ngọc, Trường tiểu học và THCS Lê Văn Tám, xã Ea Knuếc.

Ông Phan Xuân Ngọc, Hiệu Trưởng Trường Lê Văn Tám cũng thừa nhận với phóng viên là hiện tại trường đang thừa 1 giáo viên tiểu học.

Theo ông Ngọc thì trường ông đang thừa, thiếu cục bộ. Ông Ngọc lý giải: Trường Lê Văn Tám có 324 em, 15 lớp, trong đó có 10 lớp tiểu học. Giáo viên cấp tiểu học hiện có 17 người, tính thêm cô mới chuyển về và 1 thầy sắp nghỉ hưu trước tuổi là 19 giáo viên tiểu học. Tính ra thì thừa 1 giáo viên tiểu học nhưng lại thiếu giáo viên Tin học và giáo viên Tiếng Anh. Nếu tháng 10 tới 1 cô nghỉ sinh thì coi như là đủ. Cũng theo ông Phan Xuân Ngọc, Trường Lê Văn Tám không có công văn tiếp nhận, ông chỉ nhận quyết định trên Idet.

Hai lớp 3 nhập thành 1 lớp 3, nâng tổng số học sinh lên 46 em/1 lớp.

Thiếu giáo viên, trường phải nhập 6 lớp thành 3 lớp

Cô Trần Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường tiểu học Y Jut chia sẻ: Cô chủ nhiệm hai lớp 4 nhập lại thành 1, với tổng số học sinh 44 em. Học sinh đông nên không đảm bảo về chất lượng. Thời gian kèm cho các em không có, kèm được em này thì mất em kia.

“Số lượng học sinh đông rất khó khăn cho việc quản lý lớp; các em còn nhỏ nên rất hiếu động, chưa ý thức được việc học tập, ngồi trong lớp còn nói chuyện rất nhiều. Việc quản lớp đã khó, chưa nói đến đảm bảo chất lượng. Hơn nữa phòng học quá chật (khoảng 24 m2) các em phải kê bàn sát lại gần nhau, ngồi học chen chúc nhau, cách bảng có 70 phân. Ngồi gần quá, bảng bị lóa các em không nhìn được bài giảng trên bảng, mắt các em cũng bị ảnh hưởng.

“Học sinh thì đông, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy thì thiếu thốn nhưng nghĩ vì các em thì cô cũng không quản ngày đêm. Mong các cấp chính quyền giúp đỡ hỗ trợ cho trường về cơ sở vật chất và điều thêm giáo viên tiểu học để giáo viên bớt cực khổ và các em cũng đỡ thiệt thòi”, cô Ngọc nói.

Hai lớp 5 nhập thành 1 lớp 5, nâng tổng số học sinh 52 em/1 lớp.

Cô Nguyễn thị Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 (Trường Tiểu học Y Jut) cho hay, nếu lớp đúng sĩ số 35 em học sinh thì chúng tôi có thể kèm được, nhưng 52 em/1 lớp thì không thể sát sao được. Học sinh đông như thế này thì không thể đảm bảo chất lượng để các em lên cấp 2. Chúng tôi rất áp lực về sĩ số, sĩ số học sinh đông thì chất lượng sẽ giảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, sức khỏe học sinh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Biền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 chia sẻ với phóng viên.

Cô Nguyễn Thị Biền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 (Trường Tiểu học Y Jut) cũng than thở: Tôi dạy 2 năm lớp ghép rồi, hai lớp 3 nhập lại thành 1 lớp 3, nâng tổng số học sinh lên 46 em/1 lớp, đông quá chúng tôi không quản được. Học sinh trong lớp càng đông thì không khí càng ngột ngạt. Lớp đông học sinh không chỉ ảnh hưởng công việc giảng dạy mà còn thiệt thòi về chất lượng. “Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ cho trường về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy đặc biệt là điều động thêm giáo viên tiểu học về trường giúp cho chúng tôi, học sinh đỡ thiệt thòi hơn".

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc thì việc tham mưu điều chuyển giáo viên để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các trường học nói trên là do phòng Nội vụ huyện Krông Pắc tự ý tham mưu, không có đề xuất của phòng Giáo dục. Vì vậy, phòng Nội vụ huyện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. "Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Krông Pắc đã tham mưu như thế từ nhiều năm, nhiều trường chứ không chỉ 3 trường nói trên. Về việc này Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc đã có báo cáo cụ thể cho Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc từ ngày từ ngày 28/8/2023", vị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc thông tin.

Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc thiếu giáo viên, phải nhập 6 lớp thành 3 lớp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO