Đắk Lắk: KTNN chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án hồ Krông Pách Thượng

Văn Thanh 10/02/2023 12:27

Qua hoạt động kiểm toán về xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng, KTNN kiến nghị thanh tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với những sai phạm tại dự án này.

Dự án thủy lợi nghìn tỷ Krông Pách Thượng kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành. Ảnh: Lao Động
Dự án thủy lợi nghìn tỷ Krông Pách Thượng kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành. Ảnh: Báo Lao Động.

Dự án hồ Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk) là dự án thủy lợi lớn nhất Đắk Lắk, được Bộ NN&PTNT phê duyệt lần đầu vào tháng 5/2009 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Tháng 12/2018, Bộ có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 4.400 tỷ đồng. Dự án nhằm cung cấp nước tưới cho khoảng 15.000 ha đất nông nghiệp tại các huyện phía Đông tỉnh Đắk Lắk.

Sau nhiều năm trì trệ, dự án được Thủ tướng phê chuẩn cho gia hạn đến hết năm 2023. Việc triển khai công trình đại thuỷ nông này đã cho thấy có nhiều lỗ hổng, bất cập, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và di dời dân.

Mới đây, Đoàn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực XII đã tiến hành kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư xây dựng kênh chính bắc từ K10+760, hệ thống kênh cấp 1 trở xuống hồ Krông Pách Thượng.

Qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập đối với việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý, đầu tư xây dựng dự án này.

Sai phạm trong công tác quản lý, thực hiện dự án

Cụ thể, tổng mức đầu tư điều chỉnh, còn xác định thừa chi phí quản lý dự án công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án, điều chỉnh tăng 0,5% chi phí phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng không đúng quy định với số tiền 16.690,8 triệu đồng.

Công tác khảo sát, thiết kế chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế trong quá trình thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án; hồ sơ thiết kế còn chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành thủy lợi.

Mời thầu trùng khối lượng; điều chỉnh hợp đồng xây dựng khi hết thời gian thực hiện hợp đồng; hồ sơ mời thầu không quy định mức tạm ứng và số lần tạm ứng hợp đồng; hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế.

Chủ đầu tư chưa tổ chức thí nghiệm công tác thi công Neoweb trước khi triển khai thi công đại trà cho toàn hệ thống kênh trong khi thực tế địa chất yếu, có nước ngầm dễ xảy ra hiện tượng sạt trượt và mất ổn định; chưa có giải pháp để kiểm soát chất lượng thi công các lớp đất đắp trên cống, chất lượng mối nối giữa các ống sợi thủy tinh D800 trong khi đáy móng được đặt trên các lớp địa chất có tính thấm và ngập nước mạnh dẫn đến giảm nhanh khả năng sức chịu tải.

Đoàn kiểm toán nhận định nhiều hạng mục khó có thể hoàn thành đúng tiến độ (hoàn thành giai đoạn 1 hết năm 2023) do vướng giải phóng mặt bằng, khâu khảo sát thiết kế còn nhiều sai sót phải điều chỉnh, việc triển khai thực hiện từ các công tác chuẩn bị đầu tư cho đến thi công các hạng mục tại khu tái định cư số 2 chậm, đến nay khu tái định canh và định cư chưa hoàn thành nên việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các hạng mục của hồ chứa nước Krông Pách Thượng bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án.

Hạng mục Đường dân sinh tại điểm ngập số 01; 02 Thôn Ea Rớt xã Cư Pui, huyện Krông Bông triển khai thực hiện chậm dẫn đến hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt không còn phù hợp với thực tế và phải tạm dừng.

Đáng chú ý, theo KTNN, việc tuân thủ quy định công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng các loại; trồng rừng thay thế chưa thực hiện theo quy định.

Theo báo cáo của KTNN, diện tích đất tại vùng thực hiện dự án 2.860,2 ha chưa được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng dự án. Hiện nay còn 383,02 ha rừng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng là chưa phù hợp theo quy định tại Điều 22, 23 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, khoản 2 Điều 19 Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 432,11 ha của toàn bộ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên UBND tỉnh tách diện tích rừng tại khu tái định cư số 2 với diện tích 49,09 ha (do Ban quản lý dự án tỉnh thực hiện điều tra rừng) để trình và đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đặc biệt, diện tích rừng cần chuyển đổi đã giảm 324,55 ha nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Trong quá trình kiểm toán, đơn vị kiểm toán nhận thấy có nhiều chênh lệch giữa số liệu điều tra, phúc tra diện tích rừng cần chuyển đổi với số liệu đất có rừng tại dự án theo bản đồ đo đạc địa chính năm 2011 khu vực lòng hồ của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và kết quả kiểm kê rừng năm 2014 được UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xác định nguyên nhân, xử lý.

Bên cạnh đó, công tác điều tra, phúc tra hiện trạng rừng phục vụ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn sai sót.

Sai sót trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Theo KTNN, UBND tỉnh Đắk Lắk quy định việc hỗ trợ về đất không đủ điều kiện bồi thường với thời điểm sử dụng đất kể từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 trong đó có đất lấn, chiếm của các Công ty lâm nghiệp là chưa có cơ sở pháp lý.

UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt giá đất cụ thể không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai, Mục 3 Chương II Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, Điều 29, 30, 31, 32 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT; ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt đơn giá bồi thường đối với cây keo nhưng không xác định thời hạn ủy quyền kèm theo các điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, KTNN còn chỉ rõ, UBND tỉnh Đắk Lắk không thực hiện hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với phần diện tích thu hồi được bồi thường lớn hơn diện tích đất được giao tại khu tái định cư; Thuê các doanh nghiệp thẩm định giá nhưng không sử dụng kết quả thẩm định giá; Phương án bồi thường còn xác định tiền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp còn nợ đối với các hộ dân được bố trí đất tái định canh là chưa phù hợp quy định.

UBND huyện M’Drắk phê duyệt phương án bồi thường và ban hành quyết định thu hồi đất chưa đúng trình tự, thủ tục quy định dẫn đến hủy bỏ 06 Quyết định phê duyệt phương án và các Quyết định thu hồi đất kèm theo.

UBND các huyện phê duyệt Phương án trong đó tiền hỗ trợ về đất bị trừ vào tiền sử dụng đất khi bố trí đất tái định cư là chưa phù hợp quy định.

UBND huyện Ea Kar và M’Drắk phê duyệt phương án và đã chi trả tiền chậm chi trả 0,03%/giá trị cây trồng/ngày nhưng hồ sơ của đơn vị chưa làm rõ cơ sở chi trả như: kết quả kiểm đếm sau rà soát, xác minh để lập phương án cuối cùng có đảm bảo chính xác số cây được bồi thường, hỗ trợ; khoảng thời gian trống từ khi kết thúc rà soát xác minh số liệu kiểm đếm đến khi lập lại phương án để xác định hợp lý số ngày chậm chi trả.

Bồi thường đất và cây trồng trên đất với diện tích khoảng hơn 9,7 ha là đất rừng phòng hộ do UBND xã Cư San quản lý với số tiền bồi thường về đất là khoảng 2.548,0 triệu đồng chưa phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai.

Qua kiểm tra 100 bộ hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, Đoàn kiểm toán chỉ ra nhiều tồn tại: Bồi thường, hỗ trợ cho 2 đối tượng khác nhau đối với cùng một thửa đất hoặc cùng 1 thửa đất nhưng hỗ trợ 2 lần cho 1 đối tượng, số liệu kiểm đếm để lập phương án cũng khác nhau mặc dù thời điểm kiểm đếm gần nhau; bồi thường, hỗ trợ với số lượng, khối lượng, đơn giá của nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng không phù hợp với biên bản kiểm đếm; không xác nhận thời điểm cụ thể bắt đầu sử dụng đất ổn định của các hộ dân để làm căn cứ áp dụng mức hỗ trợ;...

Trước những sai phạm trên, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ đất không đủ điều kiện bồi thường đối với các trường hợp lấn, chiếm đất của các nông trường, lâm trường kể từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014; chuyển mục đích sử dụng rừng của toàn dự án.

Chỉ đạo thanh tta xác định thời điểm sử dụng đất tại các xã Cư Bông, Cư Yang huyện Ea Kar; Cư San, Krông Á huyện M’Drắk; Cư Pui huyện Krông Bông không đúng với các tài liệu về điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ.

Điều tra, phúc tra hiện trạng rừng phục vụ công tác chuyển mục đích sử dụng rừng còn sai sót trong xác định diện tích rừng trong và ngoài ranh dự án.

Bồi thường, hỗ trợ với số lượng, khối lượng, đơn giá của vật kiến trúc, cây trồng không phù hợp với biên bản kiểm đếm; hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân không đúng theo tỷ lệ diện tích thu hồi đất trên tổng diện tích đất; vận dụng đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng không đúng phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND tại các phương án do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Drắk thực hiện.

Ngoài ra, KTNN cũng đề nghị BND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc giảm diện tích rừng 324,55 ha tại dự án theo Thông báo số 24/TB-VPUBND ngày 21/2/2022 của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; chênh lệch số liệu về diện tích rừng cần chuyển đổi và đất có rừng giữa số liệu điều tra, phúc tra, bản đồ đo đạc địa chính năm 2011 khu vực lòng hồ của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kết quả kiểm kê rừng năm 2014.

Làm rõ và xử lý vi phạm (nếu có) đối với việc cấp kinh phí cho Ban Quản lý dự án tỉnh để thuê các doanh nghiệp thẩm định giá lập hồ sơ xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường nhưng không sử dụng kết quả thẩm định giá; bồi thường đất với tổng diện tích khoảng hơn 9,7 ha là đất rừng phòng hộ do UBND xã quản lý.

UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Ban quản lý dự án, UBND các huyện Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông rà soát các phương án bồi thường, hỗ trợ đã thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: KTNN chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án hồ Krông Pách Thượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO