Đắk Lắk: Lãnh đạo Huyện Buôn Đôn điều chuyển viên chức, nhà trường gặp khó khăn

Thanh Nga 25/09/2023 08:50

Lãnh đạo Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) không chỉ điều chuyển giáo viên Tiếng Anh mà còn điều chuyển cả viên chức kế toán khiến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.

Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin Lãnh đạo Huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) điều chuyển giáo viêncủa Trường tiểu học Lê Lợi (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) nhưng Hiệu trưởng và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện không hề hay biết, khiến các em học sinh không có giáo viên dạy môn Tiếng Anh để học.

Điều đáng nói, lãnh đạo huyện Buôn Đôn không chỉ điều chuyển giáo viên Tiếng Anh mà còn điều chuyển cả viên chức kế toán khiến các trường học gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Buôn Đôn, theo quy định: số năm tối thiểu của một kế toán ở trong nhà trường là 5 năm thì phải luân chuyển đi trường khác để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên có một số trường sau khi luân chuyển xong thì lại không có kế toán thay thế dẫn đến hoạt động nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Trường mầm non Hoa Hồng ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn.

Bà Lê Thị Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Hoa Hồng cho biết, Trường mầm non Hoa Hồng ở xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn có 444 cháu, trong đó 100% các cháu đều ăn bán trú tại trường, nhưng kế toán của trường bị điều động đến đảm nhận công tác tại trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã CuôrKnia, huyện Buôn Đôn).

Điều đáng nói, trường Mầm non tổ chức cho các cháu ăn bán trú nên rất cần kế toán để giúp Hiệu trưởng nhà trường tính toán, hạch toán thu chi, cân đối thực phẩm ăn uống cho các cháu hàng ngày; thực hiện các khoản thu chi đầu năm nên nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Việc này bà cũng đã báo cáo trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện, Phòng Nội vụ và Phòng GD&ĐT tạo rồi, huyện có quyết định phân công một kế toán của trường khác đến kiêm nhiệm phụ trách kế toán của trường. "Một kế toán một lúc phải làm công việc của 2 trường thì rất khó; Mỗi trường 1 người thì sẽ làm việc khoa học hơn và đúng với vị trí việc làm. Trước đây kế toán của trường phải kiêm Văn thư, nhưng nay Kế toán đã bị điều động đi thì công tác Văn thư Nhà trường cũng phải giao cho người khác đảm nhận", Bà Giang chia sẻ.

Bà H'Tú Byă, Hiệu trưởng và ông Nguyễn Đỗ Quang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Ea Huar huyện Buôn Đôn) cho hay: Ngày 17/8/2023, UBND huyện Buôn Đôn có Quyết định số 3320 về việc điều động công tác đối với viên chức kế toán là bà Trần Thị Thanh Thúy đến nhận công tác và đảm nhận nhiệm vụ kế toán tại trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Kể từ ngày đó, thì trường cũng không có viên chức kế toán. Sau khi điều động Bà Trần Thị Thanh Thúy đi thì Nhà trường không có Kế toán để làm lương thì đến ngày mùng 4/9/2023, Nhà trường có Báo cáo với UBND nhân dân huyện, Phòng Nội vụ huyện, phòng GD&ĐT huyện về 4 nội dung, trong đó có nội dung Nhà trường thiếu 1 kế toán thì đến ngày 8/9/2023, UBND huyện đã ra Quyết định số 3612, phân công bà Trần Thị Thanh Thúy, kế toán trường Võ Thị Sáu kiêm nhiệm công tác kế toán tại trường Nguyễn Thị Minh Khai từ ngày 11/9/2023.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết làm việc với lãnh đạo trường Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo lãnh đạo trường Nguyễn Thị Minh Khai thì kế toán kiêm nhiệm không có trách nhiệm với trường, vì họ không có mặt làm việc ở trường nên Nhà trường muốn sửa chữa hay mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, hay lo chế độ cho giáo viên và học sinh cũng rất khó… đặc biệt xã Ea Huar là xã vùng đặc biệt khó khăn cho nên học sinh được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước như Nghị định 81 (Hỗ trợ chi phí học tập), Nghị định 116 (Hỗ trợ chế độ học sinh đi học xa nhà), chế độ cho học sinh khuyết tật… cũng chưa thực hiện được.

"Bất cập hơn, hiện trường Nguyễn Thị Minh Khai cũng đang thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh nhưng lại dư thừa giáo viên Âm Nhạc. Hiện trường có 3 giáo viên Âm Nhạc, nhưng theo quy định thì chỉ cần 1 giáo viên Âm Nhạc là đủ. Để tránh lãng phí việc dư thừa giáo viên, Nhà trường phải bố trí 1 người làm Tổng phụ trách Đội, 1 người bố trí dạy 16 tiết chuyên môn Âm nhạc và 7 tiết dạy Đạo đức, đọc thư viện, tự nhiên xã hội của các khối lớp; người còn lại được bố trí dạy các tiết như đạo đức, tự nhiên, xã hội, đọc thư viện, hoạt động trải nghiệm....", ông Đỗ Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Bà H' Tú Byă, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũng cho hay: Việc dư thừa giáo viên Âm nhạc đã tồn tại nhiều năm trước (2017), hai năm nay nhà trường đã báo cáo đề nghị UBND huyện, Phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT điều chuyển để đảm bảo đúng vị trí việc làm của giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học nhưng đến nay số giáo viên dư thừa vẫn chưa được điều chuyển.

Phóng viên làm việc với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn.

Làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Về việc điều chuyển kế toán thì Phòng Nội vụ huyện có tổ chức họp Hiệu trưởng các trường có kế toán luân chuyển, sau đó có biên bản Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện ra Quyết định luân chuyển luôn. Việc luân chuyển này cũng không có sự tham gia của Phòng GD&ĐT. Mãi tới khi các Nhà trường gặp phải khó khăn thì lãnh đạo các trường họ mới có ý kiến và có báo cáo gửi về Phòng GD&ĐT huyện.

Theo thống kê thì có 8 quyết định chuyển giáo viên mà Phòng GD&ĐT của huyện không biết. Trong 8 quyết định có 1 trường hợp phù hợp vào điều kiện hoàn cảnh. Không chỉ thế, huyện còn hợp đồng 17 trường hợp giáo viên trong chỉ tiêu biên chế, trong đó cũng có 4 trường hợp là phòng GD&ĐT không biết, số còn lại là theo chủ trương chung của huyện.

Hiện nay Phòng GD&ĐT huyện chỉ biết một số văn bản mà đồng chí Phó phòng Nội vụ chuyển cho, còn có những quyết định trên Idet, và còn một số quyết định điều chuyển giáo viên Tiếng Anh từ Trường Lê lợi về trường A Ma Trang Lơng thì Phòng GD&ĐT huyện không biết, chỉ khi Trường Tiểu học Lê Lợi báo cáo thì Phòng GD&ĐT mới biết việc này.

Ông Đỗ Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết thêm: Theo Thông tư hướng dẫn số 12, ngày 22/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì vai trò chức năng nhiệm vụ của Phòng GD&ĐT huyện là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện quản lý Nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của UBND huyện.

Phòng GD&ĐT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của Pháp luật, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ và các quy định khác của Sở Giáo dục và Đào tạo.

“Trong Thông tư hướng dẫn không đề cập đến Phòng Nội Vụ huyện. Tuy nhiên Phòng Nội vụ huyện lại tham mưu Quyết định 305 về việc điều chỉnh thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn huyện. Quyết định ghi rõ Phòng GD&ĐT huyện chỉ tham mưu, giúp UBND huyện quản lý nhà nước về chuyên môn giáo dục tại địa phương. Phòng Nội vụ giúp UBND huyện về việc quản lý Nhà nước về tổ chức - bộ máy theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện”, ông Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Khi được hỏi tại sao Thông tư hướng dẫn cụ thể về chức năng nhiệm vụ như vậy, mà Phòng Giáo dục lại nói là không biết gì về việc luân chuyển giáo viên, kế toán? ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ: Phòng Nội vụ yêu cầu tất cả các văn bản ở các trường phải gửi sang Phòng Nội vụ. Từ chỗ đó, Hiệu trưởng các trường đã thực hiện và gửi các văn bản về Phòng Nội vụ nên Phòng GD&ĐT không nhận được văn bản gì để tham mưu cho huyện.

Cái khó khăn nhất là Phòng GD&ĐT không được phối hợp, bố trí phân công, điều chuyển giáo viên, cho nó phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các nhà trường. Phòng GD&ĐT tạo đã có 3 báo cáo về việc thiếu giáo viên Tiếng Anh, thiếu cơ sở vật chất. Tuy nhiên về cơ sở vật chất thì đã được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo giải quyết ngay, còn về nhân sự thì Phòng Nội vụ chưa tham mưu cụ thể rõ ràng, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Ngay sau khi Báo Đại Đoàn Kết đưa tin phản ánh việc luân chuyển giáo viên của trường tiểu học Lê Lợi thì ngay ngày hôm sau, Chủ tịch UBND huyện và Phòng Nội vụ đã làm việc với Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính và Hiệu trưởng các trường thiếu giáo viên Tiếng Anh để bàn bạc, thống nhất hướng giải quyết. Và hiện nay đã điều động 1 giáo viên Tiếng Anh đang hợp đồng tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ về trường tiểu học Lê Lợi để giải quyết tình trạng trắng giáo viên Tiếng Anh.

Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Lắk: Lãnh đạo Huyện Buôn Đôn điều chuyển viên chức, nhà trường gặp khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO