Năm 2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Thế nhưng, bất chấp chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và những cam kết mạnh mẽ của các địa phương, nhiều cánh rừng tại Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng huyện M’Đrắk phát hiện một bãi tập kết gỗ của lâm tặc trong đêm 27/2
“Hết nạc vạc cả xương”
Là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn của cả nước, Đắk Lắk luôn nằm trong tầm ngắm của các đối tượng phá rừng. Vụ ngang nhiên phá rừng Vườn quốc gia Yok Đôn gần Đồn biên phòng 741 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý) được phát hiện vào ngày 26/1 tại Tiểu khu 408 với tổng cộng 23 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 19 cây gỗ đỏ (gỗ Cà te), 2 cây gỗ Cẩm lai và 2 cây gỗ Sao với tổng khối lượng 44,932 m3 gỗ là minh chứng cho việc liều lĩnh phá rừng của các đối tượng lâm tặc. Liên quan đến vụ việc này, ngày 7/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã tiến hành dẫn giải 15 đối tượng vào hiện trường vụ phá rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn để điều tra, làm rõ.
Ông Phạm Tuấn Linh, Quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn Đắk Lắk cho biết, lực lượng liên ngành đã phong tỏa hiện trường, tiến hành lập hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng điều tra và tiến hành khởi tố vụ án. Trung bình ở Vườn quốc gia Yok Đôn, mỗi ngày có 3 cây gỗ quý, một năm hơn nghìn cây bị đốn hạ, khiến chất lượng rừng suy giảm nhanh.
Trong khi vụ việc ở Vườn quốc gia Yok Đôn chưa có kết quả xử lý thì tại huyện M’Đrắk lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện và bắt giữ hàng chục m3 gỗ lậu đang trên đường ra khỏi rừng đi tiêu thụ. Ông Y Sy H’Đơk-Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 27/2, Công an huyện M’Đrắk phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 5 xe máy cày độ chế chở theo 72 hộp gỗ, mỗi hộp dài khoảng 3 mét đang trên đường từ cửa rừng đi ra. Phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng lâm tặc đã bỏ xe chạy trốn. Qua kiểm tra, Công an huyện M’Đrắk còn phát hiện một bãi tập kết gỗ cách nơi bắt giữ các xe chỗ gỗ gần hơn km với số lượng 42 hộp gỗ đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Bãi gỗ này nằm tại tiểu khu 789, thuộc lâm phần do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp M’Đrắc quản lý nằm trên địa bàn xã Krông Á, huyện M’Đrắc. Toàn bộ đây là gỗ Bứa thuộc nhóm 6.
Dựa trên bề mặt cắt xác định thời gian lâm tặc khai thác số gỗ này khoảng 3-4 tháng từ tháng 10, 11 năm 2017. Trong quá trình kiểm tra đã bắt đối tượng Y Phương Niê (SN 1994) trú tại huyện M’Đrắk. Hiện số gỗ tang vật đã được cơ quan chức năng đưa về công an huyện M’Đrắk để phục vụ công tác điều tra. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk trong năm 2017 để xảy ra 35 vụ phá rừng lấn chiến đất lâm nghiệp với diện tích hơn 17 ha.
Phải xử lý nghiêm chủ rừng
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn có hơn 720.000 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng hơn 526.000 ha, độ che phủ rừng đạt hơn 39,3% (tính cả cây cao su). Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 1.407 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 2.441,7 m3 gỗ và 717 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 18,8 tỷ đồng. So với năm 2016, số vụ vi phạm lâm luật giảm 217 vụ, tuy số vụ giảm, nhưng những vụ phá rừng với quy mô lớn và táo bạo vẫn diễn ra. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 208 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 213 m3 gỗ các loại, 106 lượt phương tiện vi phạm, tiền phạt nộp ngân sách gần gần 650 triệu đồng.
Rừng liên tiếp bị phá, gỗ liên tục bị đưa ra khỏi rừng, đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như kiểm soát lâm sản. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT cho rằng để mất rừng trách nhiệm trước hết là chủ rừng.
Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2018, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo xử lý nghiêm chủ rừng trong việc để lâm tặc khai thác, vận chuyển trái phép hàng chục mét khối gỗ tại huyện M’Đrăk. Ông Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh cần xử lý nghiêm, trước hết là đơn vị chủ rừng. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cần chuẩn bị ngay phương án điều chuyển về nhân sự, xử lý công tác cán bộ. Liên quan đến các vụ phá rừng đã xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành công an, kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với địa phương tiếp tục làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hi vọng sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk nhiều cánh rừng sẽ yên tiếng máy cưa và không còn tiếng xe công nông ngày đêm chở gỗ rừng đi tiêu thụ.