Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột (ngày 10/3/1975), và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Tỉnh Đắk Lắk được giải phóng, nhưng phải bắt tay ngay vào việc tiếp quản, ổn định tình hình để xây dựng chính quyền cách mạng trên toàn tỉnh.
Tiếp quản, ổn định tình hình, ra mắt chính quyền cách mạng
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã gây chấn động dư luận thế giới lúc bấy giờ, nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Trong khi các cánh quân của ta thần tốc tiến về Sài Gòn, tỉnh Đắk Lắk bắt tay ngay vào việc tiếp quản, ổn định tình hình để xây dựng chính quyền cách mạng trên toàn tỉnh.
Ông Nguyễn An Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, thời điểm đó là Phó ban Thường trực Ban Sản xuất tỉnh, Chánh Văn phòng của UBND cách mạng tỉnh kể lại: Chiều 11/3/1975, tôi là thành viên của đoàn Dân – Chính đi tiếp quản thị xã. Lúc ấy ở khu vực phía Đông của trung tâm thị xã từ đoạn ngã ba Hòa Bình (Km 5) trở đi quân ngụy vẫn chưa rút hoàn toàn, vẫn còn đạn bom, khói lửa (nơi đây có căn cứ Trung đoàn 45 của ngụy). Hầu hết người dân sơ tán, chạy đi lánh ở các rẫy cà phê. Điện, nước không có, trời nóng gay gắt. Những ngày sau đó thấy giải phóng xong thì người dân lại dần dần trở về. Ban đầu một số người hoang mang, lo ngại; chúng tôi phải làm công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về đường lối chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng, tổ chức xe lưu động phát loa kêu gọi, giải thích...
Khi vào tiếp quản các cơ sở địch để lại, phần nhiều bị địch phá hủy trước khi rút đi, hoặc bị hư hỏng do bom đạn. Các kho lương thực thì ta mở lấy cấp phát cho người dân để cứu đói. Đối với các đồn điền, trong đó phần nhiều chủ đồn điền là người nước ngoài... chúng tôi tổ chức triệu tập, mời các chủ đồn điền đến họp để giải thích các chính sách của cách mạng để họ yên tâm làm ăn. Phần nhiều các chủ đồn điền còn ở lại vì họ chỉ làm kinh tế, không liên quan đến ngụy quân, ngụy quyền.
Khoảng chừng sau 1 tuần, vào ngày 18/3/1975, Ủy ban Quân quản của tỉnh ra mắt tại Đình Lạc Giao (thị xã Buôn Ma Thuột). Lúc đó mọi công việc cũng cơ bản ổn định, ta đã đánh tan âm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột của ngụy, địch đã rút hoàn toàn, toàn bộ tỉnh Đắk Lắk được giải phóng.
Đập tan âm mưu của FULRO
Theo nhận định của Tỉnh ủy Đắk Lắk, là nơi mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy nên Đắk Lắk bị tàn phá nặng nề hơn so với các nơi khác. Trong các vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa, do kết cấu hạ tầng như đường sá, cầu cống, nhà cửa, trường học... bị bom đạn tàn phá, đất đai bị hoang hóa, nên nhiều nơi xảy ra thiếu đói. Toàn tỉnh lúc ấy có trên 30.000 người bị đói đứt bữa cần cứu trợ khẩn cấp. Bộ máy chính quyền cách mạng còn rất yếu, đặc biệt là ở cấp xã, nhiều nơi chưa có chính quyền, hoặc có chỉ trên hình thức…
Tuy nhiên, vấn đề nóng bỏng nhất lúc bấy giờ là an ninh chính trị. Các thế lực thù địch, đặc biệt là bọn phản động FULRO có vũ trang được các thế lực phản động nước ngoài hỗ trợ đã ra sức lôi kéo các phần tử chống đối cách mạng, thường xuyên gây rối an ninh, đánh phá hầu hết các đường giao thông, gây cho ta nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Trong các buôn làng, FULRO tổ chức họp dân tuyên truyền, kêu gọi và kích động đồng bào “đấu tranh giành tự trị” thành lập “đất nước Đê Ga”. Đặc biệt, lợi dụng hoạt động Tin lành, chúng kêu gọi kích động quần chúng ủng hộ và tham gia FULRO. Mặt khác, chúng cấu kết với các đối tượng phản động đội lốt tôn giáo ở Đăk Mil, ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động cũ như ở Hòa Hiệp (nay thuộc huyện Cư Kuin), âm mưu lật đổ chính quyền xã...
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo phải ổn định đời sống nhân dân, tăng cường cán bộ các ngành y tế, thương nghiệp, lương thực... khẩn trương giải quyết tình hình dịch bệnh, nạn đói gạo, lạt muối ở những vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Cùng với đó là chỉ đạo phối hợp các đơn vị bộ đội của Quân khu V, sử dụng các đơn vị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và lực lượng công an mở các đợt tấn công tiêu diệt các cụm FULRO ngoài rừng, tăng cường lực lượng bộ đội, công an cắm chốt ở các địa bàn trọng điểm, chặn đường hoạt động vũ trang gây bạo loạn của chúng; tiếp tục thu chiến lợi phẩm, tổ chức cho ngụy quân, ngụy quyền đăng ký trình diện nhằm sớm ổn định tình hình. Mặt khác, Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường trên 1.000 cán bộ ở tỉnh, các huyện, cán bộ quân đội, công an và các ban, ngành xuống buôn, xã, lập các Đội công tác vận động quần chúng phát hiện, bóc gỡ FULRO ngầm bên trong, xây dựng chính quyền cơ sở, các địa bàn trọng điểm, nắm chắc các đối tượng chính trị và số đã ra trình diện khai báo. Tính đến cuối năm 1975, cả tỉnh đã có trên 2.500 đối tượng làm việc trong bộ máy ngụy quyền ra trình diện khai báo, trong đó có cả số sĩ quan cao cấp, tình báo, gián điệp, biệt kích, cảnh sát an ninh ngụy và FULRO.
Việc triển khai đồng bộ các biện pháp đã giúp ta giành được thế chủ động trong giải quyết vấn đề FULRO trên phạm vi toàn tỉnh Đắk Lắk. Lực lượng FULRO vũ trang bị tan rã một phần, nội bộ của chúng mâu thuẫn sâu sắc, âm mưu vũ trang bạo loạn cướp chính quyền trong thời gian ngắn của địch bị thất bại, ta đã bảo vệ được thành quả của cách mạng ở từng buôn, xã trên địa bàn tỉnh…
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng và tinh thần Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3/1975 lịch sử, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho tỉnh nhiều phần thưởng cao quý, như: Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thành phố Buôn Ma Thuột được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Ông Nguyễn Đình Trung – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tính bình quân trong 10 năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đắk Lắk đạt 6,15%/năm, đến năm 2024 đứng đầu khu vực Tây Nguyên, đứng thứ 2 khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Quyết định số 1747 ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” được ban hành đã mở ra cơ hội để Đắk Lắk tạo lập vị thế, định hình không gian phát triển mới, trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống; người dân Đắk Lắk văn minh, thân thiện, hội nhập; tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn; thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế”.