Chiều ngày 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Nguyên - Duyên hải Miền Trung và vùng kinh tế Đông Nam Bộ; Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Mondulkiri-Vương quốc Campuchia; đại diện một số tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp.
Phía tỉnh có ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông qua các thời kỳ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội đoàn thể, doanh nhân, doanh nghiệp trong tỉnh. Hội nghị có hơn 700 khách mời, đại biểu đến dự.
Phát biểu khai mạc, ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị lần này là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; khẳng định khát vọng, tầm nhìn, chỉ ra các động lực phát triển để Đắk Nông khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển KTXH và bảo vệ môi trường; vững vàng trên hành trình phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, toàn thể Nhân dân trên địa bàn biết các nội dung, ý nghĩa của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; trung tâm công nghiệp bôxít-alumin-nhôm của quốc gia, năng lượng tái tạo của vùng; phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội, môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm QPAN; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình”.
Tại Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, Chủ tịch HĐND tỉnh Lưu Văn Trung và Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 Dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng; Ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 4 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8,4 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Thái Hương, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ: Trong quá trình làm việc và khảo sát tại Đắk Nông, Bà Thái Thị Hương nhận thấy Đắk Nông đã hội tụ đủ 3 nhóm yếu tố quyết định đến thành công của dự án, gồm nhóm năng lực tài chính, năng lực quản trị của nhà đầu tư; nhóm yếu tố về đất đai thổ nhưỡng tại địa phương và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu. Do vậy, các nhà đầu tư vào Đắk Nông có cơ hội thành công lớn, và ngoài cơ hội thành công lớn thì cũng góp phần vào thành tựu của tỉnh nhà.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: mặc dù tỉnh Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng có, hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bôxít, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm độc đáo, riêng có; khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp; khả năng tiếp cận và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đặc biệt là khát khao cống hiến, xây dựng của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã tạo nên nguồn lực giá trị tinh thần cho địa phương.
Ông Trần Lưu Quang đề nghị chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thời gian tới cần phải đoàn kết, gắn bó và chia sẻ; đặc biệt là sự nêu gương, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu; “tử tế” với đồng chí, anh em, với nhân dân và với pháp luật. Phải quan tâm đến đồng bào dân tộc về sinh kế, cán bộ người dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc. Trong khát khao phát triển vẫn phải giữ được tài nguyên, sự đa dạng sinh học và đặc biệt là giữ rừng với tư cách là lá phổi cho khu vực và đất nước. Quan tâm trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương khác đang có cách làm hay. Có sự chọn lọc trong đầu tư và thu hút đầu tư.
Riêng đối với định hướng để thực hiện Quy hoạch, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Đắk Nông cần ghi nhớ 8 chữ: “Tuân thủ”, “Linh hoạt”, “Đồng bộ”, “Thấu hiểu”. Trong đó, “Tuân thủ” để đảm bảo quá trình tổ chức triển khai không đi chệch khỏi định hướng quy hoạch, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra. “Linh hoạt” trong cách thực hiện và triển khai, chủ động điều chỉnh những chỉ tiêu của quy hoạch để phù hợp với đặc thù của địa phương và mục tiêu đề ra. “Đồng bộ” với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản, để đảm bảo các điều kiện pháp lý phát triển công nghiệp khai khoáng. Đảm bảo chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng “Thấu hiểu” quy hoạch để thống nhất, đồng lòng thực thi và kịp thời phát hiện những bất cập trong quy hoạch để cùng điều chỉnh.
Phát biểu tiếp thu tại Hội nghị, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ hết sức nỗ lực, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết tâm huy động các nguồn lực nhất là các nguồn lực của xã hội, của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để thúc đẩy phát triển KTXH; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; xây dựng tỉnh Đăk Nông đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên...
Ông Hồ Văn Mười cam kết Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển với tinh thần “Lắng nghe - Thấu hiểu - Đồng hành và cùng khát vọng phát triển”.