Với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhằm giảm số vụ tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, góp phần ngăn ngừa và làm giảm tai nạn giao thông, từ cuối tháng 2 đến nay lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Nông đặc biệt quan tâm, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh triển khai thường xuyên, liên tục và quyết liệt vì sự bình yên trên mỗi cung đường.
Trắng đêm xử lý ma men
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, khi bóng tối ngập tràn các tuyến đường của thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), thì cũng là lúc các nhà hàng, quán nhậu vỉa hè bắt đầu “thu hút” khách; và cũng là lúc mà các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát cơ động và Công an thành phố Gia Nghĩa ra đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường của thành phố Gia Nghĩa.
Có mặt tại đoạn đầu đường Hai Bà Trưng thuộc Tổ dân phố 10, phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, chúng tôi quan sát thấy các trường hợp điều khiển phương tiện ô tô, xe máy qua đây đều bị các cán bộ, chiến sĩ của Tổ công tác ra tín hiệu giảm tốc độ, dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.
Người đầu tiên được yêu cầu dừng xe kiểm tra là ông V.H.N. ở thành phố Gia Nghĩa. Khi được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn, ông này đã bỏ đi vào khu vực cây xăng để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Sau khi cán bộ vận động thì ông đã tự giác chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đo nồng độ cồn của ông N là dưới 0,25mg/1 lít khí thở. Ngay sau khi ông N xuất trình giấy tờ, lực lượng chức năng xác minh: ông N là một cán bộ làm ở một phường trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm nồng độ cồn với mức phạt từ 6 triệu đến 8 triệu đồng, bị tạm giữ phương tiện và bị tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng.
Tiếp đó là anh N.V.H. ở thành phố Gia nghĩa điều khiển phương tiện xe máy vi phạm nồng độ với mức trên 0,4mg/1 lít khí thở. Khi được hỏi về lỗi vi phạm anh này cho biết, sau buổi đi làm về có uống mấy ly với nhóm bạn. Trước đó mấy ngày cũng bị lực lượng CSGT Đắk Nông xử phạt 5,5 triệu đồng với lỗi vi phạm nồng độ cồn và bị tạm giữ phương tiện.
Khoảng hơn 22h chúng tôi có mặt cùng Tổ công tác khác khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát nồng độ cồn tại đuờng Tôn Đức Thắng thuộc Tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung. Tại đây cũng có khá nhiều hàng quán nhậu và Karaoke với lượng khách rất đông.
Khi thấy các tổ công tác kiểm tra, một số người đã “cố thủ” tại quán nhậu; nhiều trường hợp để xe tại quán gọi taxi đón về; một số trường hợp nhờ người thân đến điều khiển xe về, còn một số đi bộ. Để kiểm soát vi phạm nồng độ cồn chặt chẽ hơn nữa, lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra lưu động bằng xe mô tô chuyên dụng, qua đó đã phát hiện xử lý lập biên bản các truờng hợp không đi qua chốt kiểm soát.
Đơn cử trường hợp ông P.V.B ở thành phố Gia Nghĩa, điều khiển xe ô tô nồng nặc mùi rượu. Kết quả kiểm tra ông B. vi phạm nồng độ cồn 0,426 mg/lít khí thở. Qua xác minh đuợc biết ông B. là một cán bộ của huyện Đắk Glong. Với lỗi vi phạm này, ông B. sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng, bị tạm giữ xe và tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Với sự quyết tâm cao xử lý vi phạm xuyên đêm, từ 19h đến 24h trong ngày 28/2/2023, các Tổ công tác thuộc Phòng CSGT, Cảnh sát cơ động và lực lượng Công an thành phố Gia Nghĩa đã phát hiện, xử lý gần 20 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 5 trường hợp điều khiển xe ô tô và 2 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, đảng viên. Đối với 2 trường hợp là cán bộ, đảng viên, lực lượng CSGT sẽ gửi văn bản thông báo lỗi vi phạm về cơ quan, đơn vị nơi những người này công tác, sinh hoạt để xử lý theo quy định.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Bá thức, Đội CSGT đường bộ số 2 và anh Nguyễn Văn Hoàng, Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an thành phố Gia Nghĩa nói: xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác do người sử dụng rượu, bia nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực, có trường hợp còn có thái độ lăng mạ, chống đối.
Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, anh em làm nhiệm vụ vừa phải phân tích, tuyên truyền để người vi phạm hiểu rõ hơn hậu quả đi kèm với lỗi vi phạm sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là thế nào. Đối với những trường hợp cố tình không hợp tác, chống người thi hành công vụ, lực lượng chức năng sẽ tổ chức ghi hình, mời nhân chứng xử lý nghiêm đối tượng theo đúng pháp luật. Đơn cử ông L.V.T. ở thành phố Gia Nghĩa đã không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn lúc 23h đêm, lực lượng chức năng đã kiên quyết lập biên bản, tạm giữ phuơng tiện xe mô tô.
Vì sự an toàn và tính mạng của người dân
Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Công an thành phố Gia Nghĩa cho biết: hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người dân và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Chính vì vậy, thực hiện mệnh lệnh của Giám đốc Công an tỉnh, Công an thành phố Gia Nghĩa đã và đang triển khai hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó phối hợp với lực lượng CSGT Công an tỉnh, Cảnh sát cơ động tăng xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ trong các tầng lớp Nhân dân nhằm ngăn ngừa và làm giảm tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Không riêng gì thành phố Gia Nghĩa, những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng CSGT Công an các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp với Phòng CSGT, Phòng Cảnh sát cơ động thành lập các Tổ công tác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trên các tuyến giao thông với phương châm quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức của người tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.