Ngày 25/10, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - NNPTNT) ban hành văn bản số 1142/ĐĐ-QLĐĐ gửi các Sở NNPTNT từ Thanh Hóa đến Phú Yên về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 6.
Theo đó, bão số 6 (tên quốc tế là Trami) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có cường độ mạnh (sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 và dự báo còn tiếp tục mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 14-15), hướng di chuyển còn diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ, đe dọa trực tiếp đến an toàn các tuyến đê, kè biển, cửa sông ven biển.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị Sở NNPTNT các địa phương nêu trên báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 110/CĐ-TTg ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Bộ NNPTNT về việc triển khai ứng phó với bão số 6.
Tiến hành kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê, kè đang thi công dở dang (như đê Tây phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; kè chống xói lở bờ biển xóm Rớ và kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên); bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
Cùng ngày, Bộ NNPTNT cũng tổ chức họp trực tuyến với các Bộ, ngành và các địa phương từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về công tác ứng phó với bão số 6.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành liên quan đã thông báo các biện pháp ứng phó đã triển khai. Cụ thể, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm; lúa vụ mùa khu vực Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã thu hoạch 45.424ha/116.677ha; hiện còn 71.253 ha chưa thu hoạch tập trung tại các tỉnh: Bình Thuận 43.253ha, Ninh Thuận 15.091ha, Khánh Hoà 6.191ha, Phú Yên 3.581ha, Bình Định 2.763ha… Hiện tại, tổng diện tích nuôi thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận là 110.625 ha, 119.356 lồng bè và 1.929 chòi canh nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận còn tồn tại 72trọng điểm đê điều xung yếu và 5 công trình đang thi công…tất cả đang được lên kế hoạch ứng phó.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bão số 6 là cơn bão có đường đi rất phức tạp. Để đối phó với cơn bão 6, các bộ, ngành, địa phương chủ động đưa ra những tình huống, kịch bản ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân. Các địa phương rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản trên biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Đồng thời, theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống bão, lũ theo nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập.
Sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, cửa sông, ven biển; gia cố, chằng chống nhà ở, kho tàng, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy; chặt tỉa cành cây; sẵn sàng phương án bảo vệ đê điều, sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp...
Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống….
Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.