Mùa mưa bão đang đến, để chủ động trong vận hành nhà máy, điều tiết hồ chứa và tính toán dự báo lũ, các nhà máy thủy điện tại tỉnh Quảng Nam đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho người dân và tài sản vùng hạ du.
Ông Ngô Xuân Thế - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2024, Nhà máy Thủy điện A Vương đã rà soát và tổ chức thực hiện đúng theo các quy định hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hồ chứa thủy điện.
Không chỉ Nhà máy Thủy điện A Vương mà hiện nay các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện phương châm như: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ… trong phòng, chống thiên tai khi có các thông báo, cảnh báo về mưa, lũ.
Tổ chức trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24h khi có thông tin cảnh báo, dự báo xuất hiện bão; thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiện trạng kỹ thuật các hạng mục công trình xây dựng để có phương án ứng phó kịp thời; thu thập số liệu quan trắc đập, theo dõi lượng mưa, lưu lượng đến hồ, mực nước hồ theo quy định.
Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh cho hay, hệ thống theo dõi, giám sát vận hành hồ chứa đã được công ty lắp đặt và đưa vào vận hành 11 camera giám sát và tín hiệu, bao gồm 6 camera giám sát độ mở cửa van cung đập tràn, 1 camera giám sát tổng thể hạ lưu đập tràn, 1 camera giám sát tổng thể thượng lưu đập tràn, 1 camera giám sát hệ thống ống xả duy trì dòng chảy tối thiểu, 1 camera giám sát mực nước hồ tại cửa nhận nước và 1 camera giám sát xả nước hạ lưu nhà máy.
Hệ thống giám sát này đã được kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh đến văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Thủy điện sông Tranh cũng đã lắp đặt 6 trạm cảnh báo lũ từ xa gồm: 1 trạm tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước; 1 trạm tại xã Hiệp Hòa và 1 trạm tại Thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức... để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân khu vực hạ lưu khi vận hành điều tiết hồ chứa.
Đồng thời công ty thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa hệ thống cảnh báo lũ từ xa để đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định trong mùa mưa, lũ; đơn vị lắp đặt hệ thống còi báo tại khu vực đập tràn và xe ô tô gắn loa phóng thanh di động, nhắn tin SMS và qua hệ thống loa phát thanh của các huyện hạ du để cảnh báo cho người dân trước khi thực hiện việc xả nước điều tiết qua đập tràn.
Theo báo cáo số 1441 của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, tổng số công trình thủy điện có trong quy hoạch đang vận hành phát điện 34 công trình với tổng công suất là 1.596,06MW gồm: 12 công trình thủy điện vừa và lớn gồm: A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đak Mi 4 (A-B), Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 2, Đak Mi 3, Sông Tranh 3… và 22 công trình thủy điện nhỏ gồm: Sông Bung 6, Sông Cùng, Đại Đồng, Khe Diên, Za Hung, Trà Linh 3... Trong đó một số công trình có hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa gồm 17 công trình với 19 đập, hồ chứa gồm A Vương, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2.
Ông Lê Vũ Thương - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, qua báo cáo của các chủ đập, các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh đều ở trạng thái bình thường; các thiết bị vận hành đập đều được kiểm tra, vận hành thử và vận hành bình thường trước mùa mưa bão năm 2024.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra vẫn còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Các dự án thủy điện đều nằm ở khu vực miền núi, các tuyến đường giao thông đi lại, chủ yếu do địa phương quản lý, thường xuyên bị ảnh hưởng do sạt lở đất các trạm phát sóng điện thoại thường xuyên bị mất tín hiệu làm ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc, công tác vận hành, cung cấp thông tin vận hành và ứng phó thiên tai;… Một số quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước cần phải được điều chỉnh, bổ sung
Cũng theo ông Thương, Sở đã đề nghị Bộ Công thương có ý kiến để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm chính thức bàn giao, hướng dẫn bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để có cơ sở triển khai, hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa.