Giáo dục

Đảm bảo chất - lượng khi nâng tầm đại học

Thu Hương 21/11/2024 10:08

Tháng 11/2024, Trường Đại học (ĐH) Duy Tân và Trường ĐH Kinh tế quốc dân có quyết định chính thức chuyển thành ĐH, nâng tổng số ĐH của Việt Nam từ 7 lên 9. Thách thức đặt ra đối với các ĐH nói riêng và hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam là vấn đề chất lượng.

bai chinh
Sinh viên Đại học Duy Tân. Ảnh: NTCC.

2 trường đại học được nâng tầm

Ngày 15/11/2024, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký quyết định số 1386 về việc chuyển Trường ĐH Kinh tế quốc dân thành ĐH Kinh tế quốc dân. Trước đó, Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã thông qua Nghị quyết thành lập 3 trường gồm: Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ. Đây là bước đầu tiên để nhà trường tái cấu trúc và dự kiến trở thành ĐH Kinh tế quốc dân. ĐH Kinh tế quốc dân hiện có khoảng 28.000 sinh viên chính quy, gần 1.100 cán bộ, giảng viên, cùng 87 chương trình đào tạo trình độ ĐH, trong đó 25 chương trình đào tạo giảng dạy và học tập bằng tiếng Anh.

Cũng trong tháng 11, Trường ĐH Duy Tân trở thành trường ĐH tư thục đầu tiên chuyển qua mô hình ĐH ở nước ta. Hiện ĐH Duy Tân đào tạo 10 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ, 16 chuyên ngành trình độ Thạc sĩ và 52 ngành trình độ ĐH với hơn 100 chuyên ngành; đào tạo 13 chương trình tiên tiến chuyển giao từ các ĐH uy tín của Hoa Kỳ, chương trình tài năng, chương trình du học tại chỗ, văn bằng ĐH do các trường ĐH Hoa Kỳ cấp; tổ chức đào tạo hệ liên thông và 7 ngành hệ đào tạo từ xa. Nhà trường đã có 5 cơ sở đào tạo với 254 phòng thực hành, thí nghiệm, hệ thống phòng mô phỏng y khoa, hệ thống thư viện, data center hiện đại cùng với hơn 800 máy tính phục vụ sinh viên thực hành và nhiều trang thiết bị hiện đại khác.

Ngoài 2 ĐH vừa chuyển đổi, hàng loạt trường ĐH trong số 267 cơ sở đào tạo bậc ĐH của cả nước cũng đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển thành ĐH trong thời gian tới như Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Hà Nội…

Khuyến khích liên kết thành đại học

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh hệ thống giáo dục ĐH vẫn phổ biến các trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, cần khuyến khích các trường liên kết thành ĐH. Việc liên kết sẽ giúp giảm đầu mối, tập trung tìm được đội ngũ lãnh đạo quản lý phù hợp; tránh trường hợp một số trường cùng mục tiêu, sứ mệnh nhưng cạnh tranh với nhau không cần thiết. Dẫu vậy, việc liên kết này phải dựa trên sự tự nguyện thay vì cơ học. Việc liên kết như thế nào, liên kết có thực sự mang lại hiệu quả không cũng phải được Bộ GDĐT thẩm định rất kỹ.

GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, mong muốn của các trường chuyển sang mục tiêu đa lĩnh vực là phù hợp với định hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để đem lại hiệu quả đích thực thay vì chỉ nằm ở tên gọi, cần có những giải pháp đồng bộ. Thời gian qua, vẫn còn trường hợp khi chuyển từ trường ĐH lên ĐH nhưng hoạt động chưa đúng với tính chất đa lĩnh vực. Nguyên nhân do việc sáp nhập mới chỉ mang tính cơ học, sự kết nối giữa các trường thành viên rất lỏng lẻo, hoàn toàn độc lập về đào tạo.

“Khi chuyển đổi từ trường ĐH lên ĐH, cần thẩm định kỹ trước khi công nhận cũng như thực hiện kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi để không chỉ là hình thức” - GS.TS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.

Nâng tầm ĐH không chỉ là danh xưng mà nằm ở chất lượng là điều Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng mong mỏi đối với các ĐH nói riêng và hệ thống giáo dục ĐH nước ta nói chung. Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH đang đặt ra mục tiêu năm 2025, 100% cơ sở giáo dục ĐH hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, 35% chương trình đào tạo được kiểm định. Đến năm 2030 sẽ tăng lên 80% chương trình đào tạo được kiểm định. Đây là một thách thức lớn nhưng cần thiết phải đạt được nhằm hướng đến việc cải tiến chất lượng thường xuyên, mang thương hiệu cho nhà trường, từ đó mang lại giá trị cho người học.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề xuất mô hình ĐH thông minh đổi mới sáng tạo để đáp ứng được các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Theo mô hình này, trong khi triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia, phát triển các chương trình đào tạo mới gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo định hướng khởi nghiệp cần thúc đẩy ngay các hoạt động điều chỉnh chuẩn đầu ra, cập nhật các học phần mới phù hợp với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo truyền thống.

Tại lễ công bố chuyển đổi thành ĐH Duy Tân, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn mong rằng sự thay đổi này không phải là thay đổi một cái tên, mà sự thay đổi này hướng tới chiều sâu, hướng tới giải phóng sức sáng tạo, hướng quản trị hiện đại, thông minh. Mong ĐH sẽ được vận hành với bộ máy quản trị ĐH khoa học hơn, tiên tiến hơn. Vừa có quy mô vừa có sứ mệnh cao hơn với tầm nhìn xa, hướng tới sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng những cơ hội phát triển của đất nước cũng chính là cơ hội cho các trường ĐH. Cần nắm bắt được thời cơ, đẩy nhanh tốc độ phát triển và chất lượng của sự phát triển. Đặc biệt hướng tới các lĩnh vực khoa học và công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn, những ngành mà đất nước rất cần cả trước mắt và lâu dài, với cả những ngành phải đầu tư nhiều nhưng lâu thu được kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đảm bảo chất - lượng khi nâng tầm đại học