Hiện nay các trường đại học (ĐH) đều áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Tuy nhiên, giữa các năm có sự tăng giảm chỉ tiêu cho từng phương thức, thậm chí có trường bỏ hẳn một phương thức nên cần thông tin sớm để thí sinh có sự chuẩn bị.
Thời điểm này một số trường ĐH đã công bố đề án tuyển sinh của năm học 2022-2023. Theo đó, xu hướng chung của các trường là giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, bổ sung thêm phương thức xét tuyển nhằm đa dạng nguồn tuyển và gia tăng cơ hội cho thí sinh. Trong đó, nổi bật là việc sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Ngoài bài thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia và Bộ Công an, bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay bài thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng được 7 trường sư phạm khác sử dụng kết quả để tuyển sinh. Điều này sẽ làm thay đổi việc phân bổ chỉ tiêu của các trường này dành cho từng phương án tuyển sinh so với mùa tuyển sinh so với năm 2022.
Vì vậy, lời khuyên dành cho các thí sinh đó là cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường dự định đăng ký xét tuyển để có thông tin chính xác nhất. Đặc biệt là nghiên cứu kỹ ngành mình dự định ứng tuyển có những phương án tuyển sinh nào để có sự chuẩn bị từ sớm. Kinh nghiệm của nhiều thí sinh đã đỗ ĐH đó là có thể đăng ký vào một ngành của một trường với nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Do đó, Bộ GDĐT lưu ý, các trường ĐH nên xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng thì tinh giản. Quan điểm là các phương thức tuyển sinh cần được thay đổi sao cho tinh gọn, đến năm 2023 thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo.
Cụ thể, thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, có 5 phương thức xét tuyển có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác.
Các phương thức xét tuyển năm 2022 có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, thi văn hóa ở các trường.
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, dù các trường tăng hay giảm các phương thức xét tuyển thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là công khai, minh bạch trong việc công bố đề án tuyển sinh. Cần có sự cân nhắc giữa các phương thức xét tuyển để tránh thiệt thòi cho một bộ phận thí sinh chưa có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng do các trường tổ chức, thi chứng chỉ quốc tế…
“Xu hướng giảm dần phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là hợp lý và phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, cần triển khai có lộ trình để thí sinh và xã hội “làm quen”, tránh bỏ đột ngột phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bởi vẫn còn những thí sinh chưa có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), việc các trường công khai đề án tuyển sinh là cần thiết, song về phía các cơ quan quản lý cần phải thực hiện thanh kiểm tra thường xuyên. Những năm qua, không ít trường hợp các trường tự điều chỉnh chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển khác với đề án đã công bố gây mất công bằng với thí sinh.