Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008 – 2019 và định hường phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn 2040.
Theo Bộ NNPTNT, 10 năm qua, chăn nuôi của Việt Nam đã chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp, chiếm hơn 45% về quy mô và hơn 60% về sản lượng. Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi luôn giữ mức cao trong nhiều năm qua, trung bình 5-6%/năm, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp. Đến nay, ngành chăn nuôi đã cơ bản cung cấp đủ cho thị trường trong nước các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (thịt, trứng, sữa...), một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu (thịt lợn sữa, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa...).
Các ý kiến tại Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế của ngành chăn nuôi thời gian qua như: Chăn nuôi nhỏ lẻ, trình độ quản trị chăn nuôi kém, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, mức đầu tư thấp còn chiếm tỷ lệ lớn làm giảm năng suất/chất lượng; khả năng kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tiếp cận thị trường còn yếu...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để khắc phục những tồn tại trong giai đoạn qua, Bộ NNPTNT đã xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa chăn nuôi trang trại và chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu là mức tăng trưởng bình quân của ngành giai đoạn 2020-2025 đạt trung bình 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt trung bình 3-4%/năm… từng bước giảm tỷ trọng chăn nuôi lợn, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, gia súc, thủy sản, bảo đảm cân đối nguồn cung thực phẩm trên thị trường.