Do bão lũ, nhiều trường học bị cuốn trôi hết sách giáo khoa (SGK), các nhà xuất bản (NXB) đang khẩn trương in ấn bổ sung. Một số ý kiến lo ngại việc có nhiều bộ sách gây khó khăn cho việc ủng hộ từ thiện sách cũ cũng như in ấn sách mới do mỗi trường sử dụng một hoặc nhiều sách từ những bộ khác nhau.
Sau cơn bão số 3, ngành Giáo dục chịu thiệt hại rất lớn. Trong đó, chỉ tính riêng SGK, thống kê chưa đầy đủ ở các trường học của 18 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi) đã mất gần 41.600 bộ SGK. Trong đó, ở bậc tiểu học thiệt hại khoảng gần 24.000, THCS khoảng gần 10.600 và THPT khoảng hơn 7.000 bộ SGK. Cụ thể, về SGK, tỉnh Yên Bái thiệt hại nặng nề nhất, khi mất hơn 35.000 bộ sách, kế đến là Cao Bằng với hơn 7.400. Tại tỉnh Lào Cai, cơ quan chức năng vẫn đang tổng hợp.
Để khắc phục nhanh chóng việc thiếu SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết đã chỉ đạo các NXB chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng SGK tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, để việc học tập không bị gián đoạn. Bộ cũng kêu gọi các NXB, tổ chức và cá nhân tài trợ SGK cho học sinh.
Thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam (đơn vị biên soạn và phát hành hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo), ngay khi có chỉ đạo của Bộ GDĐT, đơn vị này đã tổ chức in ngay 10 triệu bản SGK bổ sung. Cộng với số lượng sách hiện còn trong kho, NXB sẽ cung ứng cho các tỉnh bị bão lũ khoảng 18 triệu bản SGK.
Đại diện Công ty VEPIC (đơn vị phối hợp với các NXB tổ chức biên soạn, phát hành bộ SGK Cánh diều) huy động số sách tồn kho là 4,5 triệu bản và in thêm 500.000 bản để kịp thời cung ứng. Đồng thời công ty VEPIC có chính sách hỗ trợ giảm 50% giá SGK cho nhà trường, học sinh các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão. Bên cạnh đó, công ty đã tặng sách cho học sinh nghèo toàn tỉnh Yên Bái; hỗ trợ trực tiếp cho học sinh 50% giá bìa đối với các SGK mua để thay thế số sách bị hỏng do bão số 3.
Theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, cả nước hiện có 3 bộ SGK do nhiều nhóm tác giả biên soạn. Phần lớn trường học chọn sách từ nhiều bộ. Một khối lớp có thể dùng SGK với môn học này là sách Cánh diều, môn học khác ở sách Kết nối tri thức… Điều này đang gây ra khó khăn trong việc ủng hộ và trang bị SGK cho các địa phương từ chính các NXB cũng như các tổ chức, cá nhân muốn ủng hộ SGK cho vùng lũ.
Cụ thể, nhiều nhóm thiện nguyện thông tin, cùng với nhu yếu phẩm và quần áo, SGK đang là một trong những đồ ủng hộ được các nhóm ưu tiên kêu gọi để gửi tới người dân vùng lũ. Tuy nhiên, do việc làm này xuất phát trước hết từ sự nhiệt tâm của mỗi người, trong khi không phải lúc nào cũng có thể liên hệ ngay được với địa phương muốn đến trao quà nên không biết danh mục SGK nhà trường đang sử dụng ra sao để quyên góp.
Chị Kim An (quận Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết khi kêu gọi mọi người ủng hộ SGK, nhóm nhận được rất nhiều cuốn SGK mới tinh, in và bọc đẹp đẽ nhưng mỗi trường mỗi khác, không thống nhất cùng dùng chung một bộ nên nhóm nhận xong cũng… bối rối không biết phân loại ra sao. “Rất may sau đó, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương nơi muốn gửi đồ ủng hộ, xin nhà trường danh mục SGK cụ thể của các trường trên địa bàn xã để làm căn cứ phân loại SGK các lớp nhận được, sau đó đóng thùng gửi đi tránh tình trạng gửi thừa nhưng vẫn thiếu sách cần” - chị An nói.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, khó khăn trong việc trang bị đủ SGK theo đúng danh mục sách nhà trường đang sử dụng là một điều thấy rõ nhưng không phải là không thể khắc phục.
“Không thể chỉ vì khó mà đi ngược lại chủ trương xã hội hóa SGK chúng ta đã kiên trì thực hiện những năm qua, quay trở lại độc quyền SGK như trước đây. Chương trình GDPT 2018 với định hướng phát triển năng lực học sinh, đề cao tính chủ động trong việc dạy và học của thầy và trò, trong đó việc lựa chọn SGK phù hợp với việc dạy học ở từng nhà trường được đề cao, do chính giáo viên cơ sở đó lựa chọn” - ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.