Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết các doanh nghiệp rất tự tin về nguồn cung hàng hóa dịp Tết Giáp Thìn 2024 và sẽ ít biến động về giá.
Theo thông lệ hàng năm khoảng 2-3 tháng trước Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo các hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa cũng như các Sở Công thương, các đơn vị chức năng của bộ và đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn 2024. Theo đó, đối với việc cung ứng hàng hóa, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phải bảo đảm được nguồn cung. Đặc biệt, phải bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo đảm giá cả được bình ổn.
Tuy nhiên, giai đoạn giáp Tết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm. Theo bà Nga, an toàn thực phẩm được ưu tiên lồng ghép trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về quản lý nhà nước, sản xuất và phân phối thực phẩm, các đơn vị quản lý thị trường để bảo đảm tổ chức hoạt động kết nối và phân phối thực phẩm có giá thành bình ổn, đặc biệt là an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu, được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như gạo, thịt lợn, trứng, dầu ăn, thuỷ hải sản, rau củ, bánh kẹo…
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Vụ Thị trường trong nước đã lồng ghép nội dung này vào nhiều chương trình để góp phần kết nối, tạo ra những điểm bán hàng thực phẩm an toàn. Chẳng hạn, đối với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, rất nhiều điểm bán hàng Việt Nam trên phạm vi toàn quốc đã được tổ chức, hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, Chương trình OCOP cũng được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Các điểm bán hàng OCOP được gắn với những điểm du lịch, nơi tập trung đông người để thu hút người tiêu dùng đến mua sắm hàng hóa OCOP, thường là hàng hóa đặc sản của vùng miền, đồng thời thu hút khách du lịch.
Theo bà Nga các chương trình này đã hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi chưa bị tác động nhiều bởi hóa chất, các vật tư nông nghiệp không bảo đảm an toàn thực phẩm. Rất nhiều sản phẩm vừa mang bản sắc dân tộc, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm đã vào các cái hệ thống phân phối hiện đại, các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ trên toàn quốc.
Bà Nga cho hay trong tháng này các hệ thống phân phối đều đang triển khai xây dựng chiến lược phân phối thực phẩm cũng như hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp rất tự tin về nguồn cung hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chắc chắn giá cả sẽ không có nhiều biến động.
Về việc dự trữ hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang tiếp tục nắm bắt thông tin từ tín hiệu thị trường, tâm lý của người tiêu dùng để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ.