Thời điểm này, việc đảm bảo đủ phương tiện đi lại cho người dân khi Tết Dương lịch đang là bài toán được đặt ra đối với TPHCM.
Theo thống kê của ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, chỉ riêng nhà xe Thành Bưởi thực hiện trung bình trên dưới 900 hợp đồng chở khách từ TPHCM đi tỉnh Lâm Đồng và ngược lại. Như vậy, chưa kể các tuyến liên tỉnh khác, trung bình mỗi ngày công ty này có hơn 100 chuyến xe chạy liên tỉnh Lâm Đồng - TPHCM (chiếm thị phần 30-40%) trên tuyến này. Ngoài Nhà xe Thành Bưởi, 21 nhà xe khác cũng vừa bị thu hồi giấy phép không thời hạn ngay trước thời điểm năm mới cận kề.
Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM cho biết, nhu cầu đi lại của người dân từ TPHCM đến các tỉnh, thành và ngược lại vẫn đang bình thường, và cũng không phải trong thời gian cao điểm. Do đó, Sở đã chủ động làm việc cùng các bến xe liên tỉnh, đơn vị vận tải liên tỉnh và nội tỉnh để sẵn sàng các phương án nhằm tăng cường phương tiện hoạt động trong các trường hợp phát sinh.
Theo ông Hải, TPHCM cũng tăng cường vận tải hành khách bằng các phương tiện công cộng như xe buýt để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân khu vực nội thành, đồng thời đáp ứng cơ bản nhu cầu người dân di chuyển tới các bến xe liên tỉnh. Ngoài ra, Sở cũng đã làm việc với Tổng Công ty Samco để bố trí khoảng 60 xe trung chuyển hành khách miễn phí cho người dân.
Từ nay đến thời điểm Tết Dương lịch và kế đến là Tết Nguyên đán, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, tiếp tục theo dõi tình hình đi lại của người dân để có giải pháp tăng cường kịp thời, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, việc kiểm soát giá vé tại các bến xe và hoạt động của các phương tiện trong quá trình vận chuyển hành khách cũng sẽ được Sở GTVT TPHCM siết chặt nhằm tránh tình trạng người dân bị ép giá vào các giai đoạn, thời điểm cao điểm đi lại, nhất là dịp Tết sắp tới gần.
Mặc dù Sở GTVT TPHCM đã cung cấp nhiều thông tin, giải pháp cụ thể để đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, thế nhưng nhiều người dân vẫn lo ngại tình trạng quá tải đi lại thời điểm cuối năm sau khi nhiều nhà xe vừa bị thu hồi giấy phép không thời hạn. Lo lắng của dư luận, nhân dân là hoàn toàn có cơ sở khi trong điều kiện bình thường thì thời điểm cuối năm người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng nhà xe hét giá, quá tải điểm/tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh.
Dự báo của Bến xe miền Tây trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới có thể đón khoảng hơn 780.000 lượt khách, tức tăng hơn 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Bến xe Miền Đông mới tại TP Thủ Đức cũng dự kiến sẽ đón khoảng gần 107.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
Qua thống kê hàng năm, các đơn vị vận tải tại cả 2 bến xe chủ lực kể trên của TPHCM đều cam kết vẫn giữ nguyên mức giá vé dịp Tết Dương lịch như ngày thường. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các đơn vị vận tải đang rậm rịch đề xuất tăng giá vé để bù chiều xe chạy rỗng.
Cùng với các tuyến xe khách liên tỉnh, hiện nay ngành đường sắt cũng đã triển khai bán vé tàu Tết Giáp Thìn 2024 để giảm áp lực cung ứng vào dịp cao điểm Tết. Hiện nay, vé tàu Tết được cung ứng ở tất cả các tuyến, các ngày để phục vụ nhu cầu đăng ký từ sớm của người dân, cá nhân, tổ chức.
Việc đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu di chuyển, đi lại của người dân vào cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán hàng năm không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành GTVT và chính quyền các tỉnh, thành phố mà còn là trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trung ương và từng địa phương có chiều đến/chiều đi tới Hà Nội và TPHCM. Do đó, việc chủ động các phương án, giải pháp để tránh tình trạng nhà xe đua nhau “thổi giá” hoặc quá tải phương tiện liên tỉnh, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết cuối năm.