Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với con số lợi nhuận vượt nghìn tỷ.
Ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng
Theo thống kê sơ bộ từ kết quả kinh doanh của hơn 10 ngân hàng niêm yết, phần lớn các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dương, mặc dù có sự phân hoá mạnh.
Ngân hàng báo lãi lớn trong quý I là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ năm 2024. Ngân hàng này đưa ra các số liệu, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh hoàn thành 269% kế hoạch, đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ; Tổng thu thuần (TOI) hoàn thành 184% kế hoạch, đạt 5.820 tỷ đồng, tăng hơn 115%, trong đó, thu thuần ngoài lãi đạt 3.369 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 378%, hoàn thành 340% kế hoạch.
Đại diện ngân hàng này cũng chia sẻ, kết quả này đến từ sự chủ động mở rộng các dịch vụ phi tín dụng kết hợp kiểm soát chi phí, tăng cường quản trị rủi ro và triển khai các dự án quan trọng.
Với Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank), điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh doanh quý I/2025 là tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Tính đến hết ngày 31/3/2025, dư nợ cho vay khách hàng đạt 352.194 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 6,2% chỉ sau 3 tháng đầu năm (so với cuối năm 2024) và tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là con số cao hơn đáng kể so với trung bình toàn ngành (ước tính khoảng 2,5% tính đến cuối tháng 3/2025). Bên cạnh đó, huy động vốn từ khách hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt 293.155 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024.
Một điểm đáng chú ý nữa trong kết quả kinh doanh quý I của LPBank là thu nhập từ hoạt động dịch vụ và các nguồn ngoài lãi khác đóng góp hiệu quả vào tổng thu nhập. Theo đó, thu nhập ngoài lãi chiếm gần 30% tổng thu nhập hoạt động, cho thấy nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số.
Tạo đà cho sản xuất kinh doanh
Điều dễ nhận thấy là lợi nhuận ngân hàng tăng trong quý đầu năm nay phần lớn nhờ tín dụng cải thiện. Theo số liệu của NHNN, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức tăng 1,42% vào cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa có khoảng 613.700 tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế, đưa tổng dư nợ tín dụng lên mức kỷ lục 16,23 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia dự báo tín dụng năm nay có thể tăng trưởng 15-17%.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN vừa được công bố, phần lớn các tổ chức tín dụng được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 có cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II/2025.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, tín dụng sẽ tăng mạnh và là động lực chính cho lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay, nhất là khi thu nhập ngoài lãi vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcap nhận định, tín dụng năm 2025 sẽ vẫn được thúc đẩy nhiều hơn bởi mảng cho vay doanh nghiệp. Các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong mảng cho vay doanh nghiệp và huy động vốn sẽ có cơ hội tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đủ để tạo nên mức lợi nhuận đột phá của các ngân hàng trong quý I so với cùng kỳ mà còn những nguyên nhân khác như các hoạt động kinh tế sôi nổi hơn giúp thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn. Bên cạnh đóng góp của tăng trưởng tín dụng tốt và thu nhập ngoài lãi, lợi nhuận quý đầu năm của một số nhà băng tăng mạnh là nhờ hiệu ứng của việc bắt đầu tiết giảm chi phí hoạt động từ quý IV năm ngoái tới nay.
Tín dụng tăng trưởng tốt giúp tạo đà cho sản xuất kinh doanh từ đầu năm. Tuy nhiên, NHNN cũng luôn nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng cần đi đôi với đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng. Bởi nguy cơ nợ xấu luôn tiềm ẩn.