Dám chịu trách nhiệm

Tinh Anh 03/03/2022 11:10

Liên quan đến vụ chìm ca nô trên vùng biển Cửa Đại (TP Hội An) khiến 17 người tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bày tỏ sự đau buồn và gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân. “Nỗi đau này không chỉ của gia đình các nạn nhân mà là nỗi đau của tất cả chúng ta. Tôi muốn nói lời xin lỗi gia đình các nạn nhân...” – ông Thanh bày tỏ.

Chắc rằng sẽ có nhiều người thấy lạ bởi vụ chìm ca nô không mấy liên quan đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để ông Thanh phải xin lỗi gia đình các nạn nhân. Luồng ý kiến này sẽ nghiêng về lý giải: Ai làm người đấy chịu, làm sao lãnh đạo một tỉnh có thể nhận hết mọi việc lớn nhỏ trên địa bàn được, không lẽ cứ có sự vụ gì là lãnh đạo tỉnh phải xin lỗi?...

Vâng, nói vậy không hề sai nhưng cũng chưa đúng hoàn toàn. Dĩ nhiên, chủ tịch của một tỉnh phải giải quyết nhiều việc lớn mang tính vĩ mô, không thể quán xuyến đến các sự vụ. Song, về lý thuyết thì người đứng đầu một tỉnh phải chịu trách nhiệm với tất cả những gì diễn ra trên địa bàn mình quản lý.

Và tất nhiên vụ chìm ca nô ở vùng biển Cửa Đại làm 17 người tử vong chính là vụ việc cần có sự lên tiếng của người đứng đầu tỉnh. Do vậy, việc Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đứng ra nhận trách nhiệm, đồng thời xin lỗi gia đình các nạn nhân là điều cần thiết và rất kịp thời, giúp xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các nạn nhân.

Ở đây mọi người cần hiểu là ông Thanh gửi lời xin lỗi với vai trò người đứng đầu địa phương chưa thực hiện tốt khâu đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Lời xin lỗi vừa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu một tỉnh, nhưng cũng như một lời đảm bảo với khách du lịch rằng sẽ không có sự việc tương tự tái diễn để mọi người yên tâm.

Dù ý nghĩa lời xin lỗi của ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có như thế nào thì cũng cho thấy bản lĩnh của một người lãnh đạo địa phương dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ông Thanh hoàn toàn có thể chọn giải pháp im lặng trước sự việc, hoặc có lên tiếng là đổ lỗi cho cấp dưới, yêu cầu rà soát quy trình an toàn, rồi xử lý nghiêm người có liên quan...

Đó chẳng phải là cách tốt nhất mà không ít lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chọn khi xảy ra sự cố “cháy nhà, chết người” đó sao? Vừa không bị mang tiếng là im lặng trước sự việc đau lòng, lại chẳng phải chịu trách nhiệm cá nhân, tại sao không chọn? Song, ông Lê Trí Thanh lại chọn cách “khó” là đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi gia đình các nạn nhân.

Còn nhớ cách đây vài năm, khi đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn là Thủ tướng Chính phủ đã từng nhiều lần yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải biết học “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép). Có như vậy mới thực sự xây dựng được một Chính phủ kiến tạo hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp, phát triển đất nước.

“4 xin” không chỉ là sự cầu thị của mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ, mà còn mang ý nghĩa dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh. Song, mấy ai đã thực sự thực hiện được yêu cầu đó. Dám đứng ra nhận trách nhiệm cần có dũng khí và lòng can đảm, đó là văn hóa mà không phải người nào cũng có được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dám chịu trách nhiệm