Hàng chục nghìn người dân ở Afghanistan hồi hộp chờ đợi lời thề sơ tán của Tổng thống Mỹ Joe Biden được thực hiện.
Trong một cam kết mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden thề rằng sẽ sơ tán tất cả người Mỹ và tất cả những người dân Afghanistan đã nỗ lực hỗ trợ chiến tranh. Tuy nhiên thời gian đang rút ngắn dần trước hạn chót - ngày 31/8 mà Tổng thống Mỹ đề ra nhằm rút hết binh lính còn lại về nước.
Ông Joe Biden đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng gia tăng trước nguy cơ đại dịch bùng phát và sự hỗn chiến thường xuyên tại sân bay Kabul. Người dân Afghanistan đều tha thiết gửi những lời cầu xin tuyệt vọng “đừng bỏ họ lại phía sau” đến Tổng thống Mỹ trước lo sợ về sự trả thù của Taliban.
Quốc gia vùng Vịnh Bahrain hôm 21/8 đã thông báo cho phép các chuyến bay sử dụng phương tiện trung chuyển của họ để sơ tán - một "phao cứu sinh" đối với Mỹ khi quốc gia này đang phải đối mặt với sự quá tải tại Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar. Tình trạng quá tải này đã buộc các chuyến bay cất cánh từ Kabul bị hoãn liên tiếp trong vài giờ.
Trong khi đó, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết chính phủ sẽ tiếp đón 5.000 người Afghanistan “trước khi họ di cư sang các quốc gia khác”.
Sự thất thủ của Kabul đánh dấu chương cuối cùng trong cuộc chiến dài nhất giữa Mỹ và lực lượng Hồi Giáo này, bắt đầu từ sau cuộc tấn công khủng bố vào biểu tượng Kinh tế thế giới ngày 11/9/2001.
Lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, người đã đàm phán thỏa thuận hòa bình năm 2020 của phong trào tôn giáo này với Mỹ, hiện đang ở Kabul để họp cùng thủ lĩnh.
Sự hiện diện của Baradar rất có ý nghĩa đối với Taliban vì ông đã từng hội đàm với các cựu lãnh đạo của Afghanistan, điển hình như cựu Tổng thống Hamid Karzai.
Các quan chức Afghanistan cho biết, Taliban sẽ không đưa ra bất cứ thông báo nào về chính phủ mới cho đến hết thời hạn rút quân của Mỹ ngày 31/8.
Hôm 20/8 một quan chức quốc phòng cho biết, khoảng 5.700 người trong đó có khoảng 250 người Mỹ, đã được đưa ra khỏi thủ đô Kabul trên 16 máy bay vận tải C-17, được bảo vệ bởi lực lượng quân đội tạm thời 6.000 quân của Mỹ. Trung bình cứ hai ngày, khoảng 2.000 người dân sẽ được sơ tán khỏi đất nước.
Các quan chức cũng xác nhận rằng máy bay trực thăng quân sự của Mỹ đã bay phía ngoài sân bay Kabul để đón 169 người Mỹ đang tìm cách sơ tán. Không có một con số cụ thể về số công dân Mỹ ở Afghanistan nhưng theo ước tính có thể lên tới 15.000 người.
Cho đến nay, 13 quốc gia đã đồng ý tiếp đón những người dân Afghanistan ít nhất là tạm thời, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết. 12 quốc gia khác đã đồng ý làm điểm trung chuyển cho những người di tản, bao gồm cả Mỹ.
Những câu hỏi ngày càng gia tăng đối với người dân Afghanistan rằng cuối cùng họ sẽ sinh sống ở đâu? Chính điều đó đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo sợ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 sẽ lặp lại.
Cảnh tượng tuyệt vọng của những người dân cố bám vào máy bay cất cánh từ Kabul chỉ làm châu Âu thêm lo lắng.
Trái lại, ở lại Afghanistan đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải thích nghi với cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban, lực lượng xác nhận rằng sẽ xây dựng một chính phủ “Hồi giáo toàn diện”.
Trong khi đó, Taliban đề nghị ân xá cho những người dân đã từng làm việc cho Mỹ và chính phủ phương Tây, đồng thời tuyên bố rằng họ đã trở nên ôn hòa hơn kể từ lần cuối nắm giữ quyền lực trong khoảng thời gian 1996-2001. Các tay súng cũng thề rằng sẽ tôn trọng quyền phụ nữ trong phạm vi quy tắc của luật Hồi giáo.
Nhưng điều đó không hề khiến những người dân Afghanistan yên tâm hơn. Họ vẫn lo sợ sự trở lại của chính phủ cai trị hà khắc Taliban như cuối những năm 1990, khi lực lượng này còn cấm phụ nữ đi học hoặc làm việc bên ngoài, cấm truyền hình và âm nhạc, thậm chí chặt tay những kẻ bị tình nghi là ăn trộm và tổ chức hành quyết công khai.