Từ đầu tháng 11, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho học sinh đi học trực tiếp trở lại dựa trên cấp độ dịch, tình hình thực tế của mỗi địa phương.
Dù ủng hộ quan điểm dần đưa học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc đón học sinh tới trường cần thực hiện thận trọng, có lộ trình phù hợp thực tế bởi đã có một số địa phương phải thay đổi kế hoạch mở cửa lại trường học vì có học sinh dương tính với SARS-CoV-2.
Trường học mở cửa từng bước
Ghi nhận tại các tỉnh, thành phố cho thấy, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã bắt đầu dần đưa học sinh đến trường học trở lại. Tại Cà Mau, Sở GDĐT tỉnh đã cho phép 18 trường tại huyện Thới Bình và Đầm Dơi được dạy, học trực tiếp từ ngày 25/11, trong đó có 11 trường tiểu học và 7 trường THCS. Theo lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Cà Mau, từ đầu tháng 11 sẽ có thêm nhiều trường dạy trực tiếp. Những nơi chưa đủ điều kiện tiếp tục dạy, học trực tuyến. Học sinh mầm non tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới.
Sở GDĐT tỉnh Phú Yên cũng đã có kế hoạch tổ chức dạy học trong điều kiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, mỗi địa phương tùy thuộc vào cấp độ dịch để cho học sinh đi học trực tiếp trở lại bắt đầu từ ngày 1/11.
Với phương châm "an toàn thì mới đi học, đi học thì phải an toàn" nên theo ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Phú Yên, tỉnh chỉ thực hiện khi tình hình dịch Covid-19 tại địa phương đã được kiểm soát, các trường học đã triển khai đầy đủ biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định hiện hành. Thời gian đầu khi học sinh trở lại học tập trực tiếp, nhà trường tập trung tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức và thực hiện các bài kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo kế hoạch chuyên môn theo từng cấp học.
Tại Bến Tre, sau khi cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tựu trường từ ngày 25/10, học sinh các cấp học còn lại (trừ mầm non) trở lại trường từ ngày 1/11. Tương tự, tỉnh Bình Dương cũng cho học sinh THPT sẽ trở lại trường học từ đầu tháng 11. Cụ thể trước mắt, các địa phương thuộc cấp độ 1 tổ chức học trực tiếp cho khối lớp 12 vào ngày 1/11, khối 10, 11 sẽ đi học từ ngày 15/11 và các khối THCS sẽ đến trường vào ngày 29/11.
Trong khi nhiều địa phương dần mở cửa trường học từ đầu tháng 11 thì cũng có nhiều tỉnh, thành phải thay đổi kế hoạch đến trường của học sinh do phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.
Sở GDĐT Quảng Trị vừa ra thông báo cho toàn bộ học sinh tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên chuyển qua hình thức học trực tuyến từ 1/11 cho đến khi có thông báo mới. Thông báo này được đưa ra trước bối cảnh thành phố Đông Hà phát hiện nhiều ca nhiễm F0 trong cộng đồng. Cụ thể, tính đến ngày 30/10, thành phố có 4 F0 là học sinh, 26 F1 gồm 7 giáo viên và 19 học sinh, 346 F2 gồm 26 giáo viên và 320 học sinh.
Tại tỉnh Bắc Ninh, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm F0 xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quế Võ; số lượng giáo viên, đặc biệt là học sinh liên quan đến các ca bệnh tăng nhanh nên UBND huyện Quế Võ cũng đã cho học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, chuyển toàn bộ từ dạy học trực tiếp sang dạy trực tuyến từ 1/11 cho đến khi có thông báo mới.
Còn tại TP Bắc Ninh, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn các phường: Vân Dương và Nam Sơn có liên quan đến Khu công nghiệp Quế Võ sẽ chuyển sang dạy học trực tuyến từ 1/11, trường mầm non cũng dừng việc đón trẻ.
Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, một số học sinh tiểu học và THPT được xác định mắc Covid-19. Do đó, hàng trăm học sinh, giáo viên phải cách ly tập trung. Nhiều trường chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến để phòng dịch. Theo lãnh đạo phòng GDĐT huyện Quỳnh Lưu, đơn vị đã yêu cầu các trường, cơ sở giáo dục ở xã Quỳnh Bảng, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh tạm dừng việc dạy học trực tiếp, chuyển sang trực tuyến từ sáng 29/10. Trước đó, Sở GDĐT tỉnh Nghệ An có văn bản gửi ngành giáo dục các địa phương, trung tâm tổ chức dạy, học căn cứ phân loại theo từng cấp độ dịch.
Vừa mừng lại vừa lo
UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn bản thống nhất về chủ trương của Sở GDĐT về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 8/11, thành phố sẽ ưu tiên cho học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng được học trực tiếp tại trường. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh và học sinh. Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít người bày tỏ tâm trạng vừa mừng lại vừa lo bởi theo văn bản đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 của UBND thành phố, Hà Nội đang chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh, tức bình thường mới) lên cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình) vì ghi nhận nhiều ca Covid-19 ngoài cộng đồng thời gian gần đây. Chị Nguyễn Thị Thoa (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) bày tỏ: “Dịch đang trở lại, cho các con đi học tầm này không khách gì ngồi trên đống lửa. Thôi thì cho con học trực trực tuyến ở nhà sẽ yên tâm hơn”.
Dù ủng hộ quan điểm dần đưa học sinh đến trường học trực tiếp, nhưng TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc đón học sinh tới trường cần thực hiện thận trọng, có lộ trình phù hợp thực tế.
Ví dụ, trong một quận, điểm nào có ca nhiễm sẽ khoanh vùng thành điểm đỏ. Điểm đỏ có thể là một phường hay một cụm nhà cách biệt. Những vùng an toàn khác hoàn toàn có thể dần cho học sinh quay lại trường học bằng cách chia lớp học thành các nhóm nhỏ, đảm bảo dưới 10 em/nhóm. Đồng thời kết hợp linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, các trường cho học sinh quay trở lại phải đảm bảo cơ sở vật chất, áp dụng các biện pháp phòng dịch trong trường kỹ lưỡng, đảm bảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh đã được tiêm vaccine đầy đủ để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Đặc biệt, phụ huynh và nhà trường phải phối hợp với nhau, theo dõi sức khỏe con em, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Gia đình và nhà trường phải phối hợp chặt chẽ. Nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm phải báo cáo sớm với nhà trường để đưa ra phương án giải quyết kịp thời.
Để học sinh đến trường an toàn trong điều kiện dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra những khuyến cáo để học sinh, phụ huynh, nhà trường tham khảo.
Trong đó, về trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, cần tổ chức đo thân nhiệt các đối tượng trước khi vào trường; bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường; hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau... Đồng thời, tập huấn đầy đủ cho giáo viên, người lao động của nhà trường về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí cách ly, chuẩn bị khẩu trang để sử dụng ngay khi phát hiện trẻ, người có biểu hiện ho, sốt, khó thở; thông báo kịp thời cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp…
Đối với phụ huynh, HCDC khuyến cáo, cha mẹ học sinh không đi đến trường và không được đưa học sinh đến trường nếu bản thân đang trong thời gian cách ly tại nhà, có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Yêu cầu học sinh rửa tay với xà phòng hoặc dùng dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang cho con khi con đến trường và đưa về...