Nằm ở các trục đường chính nhưng các rào chắn công trình (lô cốt) ở TPHCM gây ùn tắc, kẹt xe và hạn chế việc buôn bán kinh doanh của các hộ dân trong khu vực. Thậm chí nhiều lô cốt có thời gian tồn tại tới vài năm, gây bức xúc cho nhiều người.
Là “đặc điểm” ở khu vực đô thị như TPHCM, các lô cốt được quây bằng tôn, rào chắn để phục vụ thi công các dự án hạ tầng như sửa đường, cống, đường nước... đã trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến giao thông đi lại của người dân. Dọc theo tuyến quốc lộ 1A, trục giao thông huyết mạch ở phía Nam hiện nay có một số lô cốt được đơn vị thi công dựng rào chắn, xây dựng đường ống hai bên đường. Do khu vực thi công trải dài từ quận 12 sang địa bàn TP Thủ Đức nên các đơn vị thi công liên tục thay đổi vị trí các lô cốt.
Anh Nguyễn Văn Quang (32 tuổi) làm nghề giao hàng ở quận 12 cho biết các lô cốt mọc lên ở khu vực quốc lộ này từ năm ngoái. “Họ thi công tới đâu thì dịch lô cốt theo tới đó. Tuy nhiên hầu hết các lô cốt đều có diện tích lớn, chiếm hết làn đường cho xe gắn máy và khoảng một nửa làn đường dành cho ô tô. Khu vực này kẹt xe suốt, chỉ trừ ngày chủ nhật. Xe gắn máy thậm chí phải leo lên vỉa hè để di chuyển nhưng rất khó khăn vì đang thi công. Những đơn hàng ở khu vực này thường mất thêm 15 phút thời gian vì kẹt xe, ùn tắc” - anh Quang nói.
Khảo sát của phóng viên cho thấy tuyến quốc lộ 1A kéo dài 5km từ khu Gò Dưa về ngã tư Ga có tới 4 lô cốt được quây lên bằng tôn mỏng, hoặc biển báo. Vị trí các lô cốt này nằm ở khu vực ngã tư Ga, trước chợ Nông sản Thủ Đức, gần cầu Bình Phước 1 và ở phường Thạnh Lộc. Do đây là trục đường chính nên việc thi công ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đi lại của người dân. Cách đó khoảng 4km, tại giao lộ đường Võ Văn Ngân và Đặng Văn Bi (TP Thủ Đức) cũng có một lô cốt chiếm khoảng 1/3 mặt đường được dựng lên. Nhiều người dân cho biết lô cốt này mọc từ mấy năm trước, khiến giao thông đi lại vô cùng vất vả. Trong khi đó, theo tìm hiểu, lô cốt này nằm trong dự án cải tạo đường ống thoát nước.
Cách đây vài năm, một trận mưa lớn gây ngập sâu, tạo dòng nước chảy mạnh đã cuốn trôi nhiều xe máy, gây tai nạn cho người đi đường khiến dư luận bất an. Sau đó dự án cải tạo hệ thống thoát nước ở khu vực được phê duyệt, khởi công tháng 10/2020 với dự kiến hoàn thành sau 17 tháng. Tuy nhiên, dự án kéo dài đến 26 tháng vẫn chưa hoàn thành. Theo chủ đầu tư dự án này, vì khởi công và thi công trùng với giai đoạn TPHCM chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thi công gần như bị ngưng trệ, công nhân và nguyên vật liệu không được vận chuyển đúng theo kế hoạch nên xảy ra chậm trễ.
Ngoài ra, tại khu vực này cũng có một dự án khác được thi công trùng vị trí là dự án ngầm hóa điện, cáp viễn thông khiến 2 đơn vị phải thống nhất phương án cùng thi công một thời điểm để tối ưu hóa công việc. Chủ đầu tư cho biết, trong năm 2023, công trình này sẽ hoàn thành. Được biết, trong thời gian thi công vừa qua, chủ đầu tư dự án này đã bị Thanh tra giao thông TPHCM xử phạt 13 lần với số tiền hơn 100 triệu đồng do các vi phạm liên quan tới rào chắn, vật liệu vương vãi...
Cũng ở địa bàn TP Thủ Đức, một lô cốt khác cũng khiến giao thông đi lại của người dân đảo lộn là giao lộ Dương Văn Cam và Kha Vạn Cân. Dù lực lượng chức năng đã phân luồng phương tiện đi một chiều đường Dương Văn Cam nhưng khu vực này vẫn thường xuyên ùn tắc, kẹt xe vì lô cốt chiếm giữ phần lớn làn đường thông thường. Nhưng gây búc xúc nhất trên địa bàn TP Thủ Đức là những lô cốt ở đường Lương Định Của. Đây là dự án quan trọng với mục đích mở rộng, cải tạo đường, cống thoát nước với chiều dài khoảng 2,5km cùng tổng nguồn vốn khoảng 830 tỷ đồng.
Dự án từng nhận được nhiều kỳ vọng vì đây là trục đường lớn nhưng sau khi khởi công năm 2015, dự án đã phải tạm dừng. Các lô cốt gần như bỏ hoang mấy năm nay, nằm rải rác dọc đoạn đường thi công. Mặt đường hiện hữu luôn ngập nước, sình lầy dù trời không mưa. Điều đáng nói, do vướng việc giải phóng mặt bằng nên dự án này tới nay chưa có mốc chính thức hoàn thành. Và tất nhiên, các lô cốt ở đoạn đường này vẫn tiếp tục tồn tại như từ năm 2015 tới nay.
Thời gian qua, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TPHCM đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu các chủ đầu tư thi công các dự án hạ tầng ở địa bàn phải thực hiện đúng tiến độ cam kết. Thậm chí các nhà thầu thi công vi phạm, tái vi phạm có thể bị tước giấy phép.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Thường - Phó Chánh thanh tra giao thông TPHCM cho biết, tính đến tháng 12/2022, thành phố có 79 vị trí thi công có rào chắn (lô cốt) ở 51 tuyến đường. Thống kê cho thấy năm 2022 số công trình có rào chắn ít hơn các năm trước tuy nhiên số công trình vi phạm quy định lại tăng hơn. Thời gian qua, thanh tra giao thông liên tục tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng cam kết, trả mặt bằng nguyên trạng các tuyến đường sau khi hoàn thành dự án được giao.