Mặc dù tiêu thụ thịt lợn đã có dấu hiệu tích cực hơn trong thời gian gần đây, nhưng lãnh đạo Bộ Công thương đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro trong việc tái đàn, tăng nguồn cung.
Ảnh minh họa.
Tại buổi họp báo do Bộ Công thương tổ chức ngày 14/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, việc tăng được lượng bán ra là một dấu hiệu tốt, tuy vậy cần phải xem tín hiệu đó có bền vững hay không và tác động như thế nào đến hướng sản xuất trong nước.
Phân tích thêm, ông Hải cho rằng, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam theo hướng tiểu ngạch, do vậy khi bí đầu ra, rất có thể sẽ lặp lại kịch bản phải giải cứu thịt lợn.
Thực tế cho thấy, một trong những điểm yếu của ngành chăn nuôi chính là vấn đề về chất lượng. Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam vẫn không thể đi theo đường chính ngạch để mở rộng xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến thời điểm này, chỉ một số ít mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu được sang Malaysia và Hong Kong theo đường chính ngạch, nhưng cũng chỉ là thịt lợn sữa, ít cân, từ 10-15kg, trong khi thịt lợn có trọng lượng từ 80-100kg thì chưa xuất khẩu được.
Từ thực tế đó, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định chất lượng như thế nào mới xuất khẩu được, không thể chỉ phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch mà bắt buộc phải theo đường chính ngạch.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá lợn hơi tại nhiều địa phương lại giảm mạnh, với mức giảm từ 6.000-11.000 đồng/kg.
Nguyên nhân do những năm trước tình hình chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư mở rộng đàn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng.
Về vấn đề này, ông Hải cho biết, để đảm bảo tính lâu dài và bền vững, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các vấn đề liên quan đến đầu vào sản xuất chăn nuôi lợn.
Trong một nỗ lực khác, tại buổi tiếp các Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017-2020 tại trụ sở Bộ Công thương ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: Hiện Việt Nam chỉ có một thị trường xuất khẩu thịt lợn là Trung Quốc nên khi thị trường này không nhập nữa, ngay lập tức bà con nông dân lao đao. Bộ Công thương rất mong muốn trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài quan tâm tìm thêm thị trường cho thịt lợn.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh việc hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, Bộ trưởng cũng mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ thông tin để Bộ Công thương xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm xây dựng các chuỗi sản xuất, xuất khẩu bền vững.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, 6 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2,2 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá lợn hơi tại nhiều địa phương lại giảm mạnh, tới nay dù đã nhích lên thì cũng chỉ được trên dưới 30.000đồng/kg. |