Với tâm huyết của mình, tại Hội nghị đối thoại chính sách MTTQ Việt Nam với dân số và phát triển bền vững do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức ngày 17-9, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, cần đổi tên Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số và kế hoạch hóa gia đình” thành Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và Gia đình hạnh phúc”.
Quang cảnh hội nghị
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đại diện các HĐTV, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên, đại diện lãnh đạo Mặt trận một số tỉnh phía Bắc.
Ổn định suất sinh bằng suất sinh thay thế
Việt Nam đang được xem là ở thời kỳ “dân số vàng” với nhiều cơ hội về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải giải quyết nhiều vấn đề về biến đổi dân số như: Vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm trước những tác động của già hóa dân số, về an sinh cho người cao tuổi… đã tác động tới chất lượng dân số Việt Nam.
Với tâm huyết của mình, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi toàn diện chính sách dân số sau khi đạt tỷ lệ sinh thay thế để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững sau năm 2015.
Theo GSTS Nguyễn Thiện Nhân, về mặt KT - XH, một đất nước phát triển bền vững, lâu dài cần có lực lượng lao động hợp lý để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cần thiết và tái tạo được nền tảng văn hóa - xã hội của nước đó.
Một trong các xu hướng đó là duy trì được suất sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong cuộc đời. Như vậy, ở tuổi trưởng thành hộ gia đình có 2 con sẽ có 2 người thay thế mình làm việc cho gia đình và xã hội khi cha mẹ về hưu. Một đất nước như vậy sẽ không tăng dân số về mặt “sinh học”, song khi người già sống lâu hơn do khỏe hơn, được chăm sóc y tế tốt hơn, thì tổng dân số vẫn tăng, song tăng tương đối chậm.
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống. Hiểu một cách nôm na, nếu mỗi người mẹ sinh được 2 con là đạt mức sinh thay thế, vì theo quy luật tự nhiên và tính trên phạm vi rộng, trong 2 con sẽ có 1 con gái để thay thế mẹ mình thực hiện chức năng sinh đẻ (tái sản xuất dân số). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi các yếu tố như tuổi thọ của phụ nữ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ người độc thân, vô sinh… nên mức sinh thay thế thường là hơn 2 con.
“Thực tế cho thấy, tất cả các nước có suất sinh dưới mức thay thế kéo dài đều gặp khó khăn lớn về duy trì tăng trưởng kinh tế, cân bằng các quỹ bảo hiểm xã hội, thiếu nhân lực chăm sóc người già. Vì vậy, Việt Nam nên chọn mục tiêu phát triển dân số là ổn định suất sinh bằng suất sinh thay thế và cân bằng giới tính khi sinh” GSTS Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
GSTS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên BCT, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
trình bày tham luận tại hội nghị
Hình thành chính sách mới
Đưa ra những nhận định về tình trạng mức sống càng tăng thì tỷ suất sinh càng giảm ở nhiều nước là không thể tránh khỏi, GSTS Nguyễn Thiện Nhân đã lấy ví dụ điển hình từ nước Đức, không áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, việc có bao nhiêu con được xem là vấn đề cá nhân, áp dụng ưu đãi thuế thu nhập cho người lao động kết hôn và gia đình có trẻ em. Vì thế, trải qua 45 năm tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế chạm mốc 1,38 vào năm 2013. Hiện nay, nước Đức đã không thể quay trở lại thời kỳ đạt tỷ suất sinh thay thế trong vòng 25-30 năm tới.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Do tỷ lệ kết hôn thấp dưới 70%, nhiều gia đình không có con hoặc chỉ có 1 con, biện pháp giảm thuế thu nhập cho gia đình có trẻ em không có tác dụng... Tình trạng này kéo dài dẫn đến lực lượng lao động của nước Đức giảm, kéo theo dân số giảm khiến hơn 7 triệu lao động nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác vào Đức đã gây ra những xung đột về văn hóa và xã hội.
Hay cơ cấu dân số của Nhật Bản trong 4 năm gần đây, số lượng trẻ em giảm 0,74 triệu, số lượng người già tăng 3,63 triệu người, bình quân tăng 0,9 triệu người già/năm. Về lực lượng lao động từ năm 2011 đến năm 2015, lực lượng lao động của Nhật Bản giảm 3,85 triệu người, lực lượng lao động giảm bình quân 0,96 triệu người/năm. “Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ Hưu trí”, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Trong khuôn khổ chương trình đối thoại, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm từ các nước trong chính sách phát triển dân số.
Với quan điểm như vậy, GSTS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần đổi tên Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số và kế hoạch hóa gia đình” thành Chương trình mục tiêu quốc gia “Dân số bền vững và Gia đình hạnh phúc”.
Bởi theo ông Nguyễn Thiện Nhân chương trình này sẽ không đòi hỏi quá nhiều kinh phí vì chủ yếu là chính sách lao động và xã hội sẽ được lồng ghép với các hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân. Song song với đó, cần thành lập Ủy ban Quốc gia về dân số bền vững và gia đình hạnh phúc do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để huy động được sức mạnh của toàn xã hội.
Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số bền vững và gia đình hạnh phúc cần có sự ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội, cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng và giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình này.
“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chính sách mới này, đặc biệt trong công tác giáo dục, vận động nhân dân và giám sát việc thực hiện chính sách này”, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Tôn trọng quyền tự do lựa chọn sinh sản
Đến dự hội nghị, Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã mang đến 3 thông điệp chính liên quan đến quyền con người và chính sách dân số. Theo bà Ritsu Nacken, Việt Nam không cần phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số và phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển.
“Chính sách và luật dân số trong thời gian tới cần phải tôn trọng, bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Việt Nam nên có những ưu tiên dành các chính sách và can thiệp giúp giảm thiểu các bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe tình dục/sức khỏe sinh sản đối với các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người di cư, người trẻ tuổi và những người đang sống ở các vùng khó khăn.
Bà Ritsu Nacken cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm cả chính sách dân số cho những năm tiếp theo vì nó sẽ giúp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Thể hiện quan điểm cần bỏ được tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, GS. Nguyễn Lân Dũng nêu rõ: Điều thiếu sót là hiện nay Việt Nam chưa chú trọng đến việc giảng dạy sinh học, giới tính ở các trường phổ thông.
Với việc cải cách giáo dục hiện nay, gộp lý –hóa- sinh thành một môn tự nhiên sẽ khiến thời gian học môn sinh học của sinh học rất ít. Việc phân ban ngay từ cấp ba cũng khiến các em học sinh phân ban có hiểu biết rất ít về sinh học.
“Thực tế con trai và con gái có tính di truyền hoàn toàn giống nhau. Hiểu được điều này, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, không có chuyện phá thai, lựa chọn con trai, con gái. Trước tình trạng nhiều trẻ vị thành niên do không hiểu biết dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, phải nạo phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân không bảo đảm uy tín dẫn đến vô sinh, các cơ quan Nhà nước cần công bố số liệu vô sinh để các em biết, tránh những sự cố không cần thiết…” Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định.
Các vị đại biểu tham dự hội nghị
Đồng tình với nhận định trên, bà Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện sức khỏe sinh sản và gia đình nêu vấn đề, hiện nay truyền thông chỉ nói đến sức khỏe sinh sản nhưng vẫn né tránh không nói đến sức khỏe tình dục.
Vì vậy, theo bà Đức, trong văn bản phải nói rõ và phải đảm bảo sức khỏe tình dục cho tất cả người dân từ tuổi dậy thì trở lên với việc trang bị kiến thức một cách rõ ràng, có trách nhiệm, bởi việc này ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Song song với đó, cần đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền các biện pháp tránh thai bởi việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên hiện tăng lên rất cao do thiếu hiểu biết của các em.
“Các em cần có quyền được tiếp cận thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tránh thai, nạo phá thai…” bà Nguyễn Thị Hoài Đức.
Cũng tại đối thoại chính sách, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, góp ý vào dự thảo Luật Dân số, quyền, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
5 bài học kinh nghiệm Tại chương trình đối thoại, GSTS. Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm từ các nước trong chính sách phát triển dân số. Thứ nhất: Tất cả các nước tôn trọng quyền tự do lựa chọn kết hôn hay không kết hôn, có con hay không có con đều trải qua tình trạng tỷ suất sinh thấp kéo dài trên 22 năm như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan và phải gánh chịu 3 hậu quả: Lực lượng lao động liên tục giảm làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiềm năng sáng tạo của quốc gia và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và sớm hay muộn việc dân số cũng sẽ giảm, Quỹ Hưu trí quốc gia trở nên mỏng manh hơn và đối mặt với nguy cơ vỡ quỹ, tỷ suất sinh có khả năng không quay lại được tỷ suất sinh thay thế trong vòng 40 - 80 năm tới. Thứ hai: Nếu Chính phủ nhận diện được các tác động bất lợi của tình trạng kéo dài tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế đối với phát triển KTXH nhưng phản ứng chậm thì sẽ đạt kết quả thấp hoặc thậm chí không có kết quả. Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số ngay từ bây giờ khi chúng ta vừa tụt khỏi ngưỡng tỷ suất sinh thay thế 9 năm qua. Khi đó, Việt Nam có thể ngăn chặn tình trạng kéo dài tỷ suất sinh thấp hơn tỷ suất sinh thay thế và duy trì tỷ suất sinh thay thế trong vòng 50 năm tới hoặc lâu hơn, đảm bảo khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động nước ta cũng như sự pháp triển KTXH bền vững trong dài hạn. Thứ ba: Ở hầu hết các nước phát triển phương Tây và Đông Á, việc kết hôn và có con được xem như quyết định các nhân của mỗi người, mỗi gia đình. Trong ngắn hạn, chẳng hạn như 10 năm, quyết định đó có thể đúng vì nó chưa có các tác động bất lợi về mặt xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong dài hạn, việc tôn trọng quyền tự quyết của các gia đình đã gây ra tác động bất lợi lớn đến sự phát triển của quốc gia, hạnh phúc của mỗi người và an ninh quốc gia. Nếu nguồn nhân lực của một quốc gia giảm liên tục trong 30 năm hoặc lâu hơn thì năng suất lao động tăng thêm cũng không đủ khả năng bù đắp sự sụt giảm lực lượng lao động để đảm bảo duy trì mức tăng trưởng kinh tế hợp lý, an toàn cho Quỹ Hưu trí và tham gia vào các hoạt động trên bình diện quốc tế. Một quốc gia ngày càng nhỏ đi vế quy mô dân số thì cuối cùng cũng giảm dần sức mạnh văn hóa, kinh tế và chính trị. Do đó, các công dân có ý thức và trách nhiệm dân tộc cần cân nhắc các tác động chính trị và xã hội của quyết định của riêng mình về việc có nên kết hôn hay không? nên có bao nhiêu con?. Nếu công dân yêu nước mình thì phải lo lắng cho vận mệnh của dân tộc trong 50 hay 100 năm nữa. Quyền tự do cá nhân đối với hạnh phúc của riêng mình và cuộc sống gia đình phải song hành với việc gia tăng nhận thức về các tác động về mặt xã hội đối với quốc gia. Các suy nghĩ ngắn hạn và lối hành xử tự do như gây ô nhiễm và tàn phá môi trường trong 50 năm qua đã gây ra những thảm họa kinh hoàng về biến đổi khí hậu ở khắp thế giới. Bài học đó sẽ giúp chúng ta thay đổi quan điểm nếu chúng ta quan tâm đến hạnh phúc của nhân dân và sự thịnh vượng của nước nhà. Thứ 4: Lý do vì sao ở các nước phát triển và một số nước khác khi mức sống càng tăng lên thì tỷ suất sinh lại rất thấp, thực chất do các bất lợi đè nặng lên những người kết hôn và có con như nguy cơ mất việc sau khi sinh, chi phí tại nhà trường cao và bất tiện, các khó khăn về nhà ở, lo ngại về việc có con sẽ làm giảm thu nhập... Thứ 5: Các biện pháp nhằm giữ tỷ suất sinh ở mức tỷ suất sinh thay thế thực ra khác hoàn toàn với các biện pháp làm giảm tỷ suất sinh, áp dụng các biện pháp tránh thai. Hiện nay, nhiệm vụ làm giảm tỷ suất sinh là trách nhiệm của Bộ Y tế nhằm áp dụng các biện pháp y tế trong kế hoạch hóa gia đình, nhưng các biện pháp xã hội như đảm bảo giữ được công việc sau sinh, các cơ hội nghề nghiệp, nhà ở giá thấp, nhà trẻ, trường học tốt, các biện pháp khuyến khích về thuế thu nhập là trách nhiệm của các Bộ, ngành khác. |