“Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái” - là thông điệp được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra cho Ngày Dân số thế giới năm nay. Nhưng, 2021 là một năm vô cùng đặc biệt và khác lạ khi mà nhân loại phải đương đầu với đại dịch Covid-19 khởi phát từ cuối năm 2019. Trong bối cảnh đó, dân số thế giới ra sao?
Nước Mỹ, quốc gia giữ kỷ lục buồn trong một khoảng thời gian dài về số người nhiễm SARS-CoV-2 cũng như số người tử vong liên quan đến Covid-19. Và mới đây, giới chức nước này lại lên tiếng cảnh báo về tình trạng già hóa dân số. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, dân số già đang ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, trong khi vẫn phải chật vật khắc phục cuộc khủng hoảng do Covid-19 mang tới.
Người già và em bé
Bà Gina cho rằng, nếu không hành động, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu tác động lớn, gây khó khăn cho phụ nữ khi quay trở lại làm việc hay duy trì công việc sau khi hàng triệu phụ nữ đã phải nghỉ việc trong đại dịch để chăm sóc con cái do trường học đóng cửa. Theo tính toán của bà Gina, ít nhất 1,5 triệu phụ nữ Mỹ sẽ không thể quay lại với công việc sau khi nghỉ việc để chăm sóc con cái, người già và những người họ hàng bị tàn tật.
Điều tra dân số gần đây nhất cho thấy, hiện có 54 triệu người trong dân số 328 triệu người Mỹ trên 65 tuổi (16,5%). Vào năm 2030, con số này sẽ tăng lên 74 triệu. Số người trên 85 tuổi, những người cần sự chăm sóc nhất, thậm chí còn tăng nhanh hơn.
Tương tự Mỹ, tại Trung Quốc, dân số đến tuổi lao động liên tục giảm hơn 3 triệu người mỗi năm kể từ 2012 và ngày càng giảm mạnh. Dự kiến, trong giai đoạn 5 năm lần thứ 14, tức 2021-2025, số người ở độ tuổi lao động sẽ tiếp tục giảm thêm 35 triệu, trong khi người cao tuổi lại tăng lên hơn 300 triệu.
Đó là vấn đề người cao tuổi, còn với trẻ nhỏ thì sao?
Trước thời điểm dịch Covid-19 (cuối năm 2019), một công bố của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) được Quỹ Bill và Melinda Gates thành lập tại ĐH Washington cho biết, 91 quốc gia - chủ yếu tại châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, không sinh đủ trẻ em để giữ vững số dân hiện nay. Trong khi đó, số trẻ mới ra đời tại châu Phi và châu Á vẫn tiếp tục tăng. Riêng tại Nigeria, trung bình một phụ nữ sinh đến 7 đứa con (thống kê năm 2018).
IHME cũng chỉ ra rằng, trong khi dân số toàn cầu tăng vọt từ 2,6 tỉ dân trong năm 1950 lên 7,6 tỉ dân vào năm 2017 thì sự phát triển dân số rất chênh lệch tùy theo khu vực và thu nhập. Theo Giáo sư ngành khoa học về đo lường sức khỏe Ali Mokdad của IHME, thì nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến phát triển dân số chính là giáo dục. "Một người phụ nữ học vấn càng cao sẽ tốn nhiều năm đi học và hoãn việc mang thai, do đó sẽ sinh ít hơn" - ông Mokdad giải thích và cho rằng khi các quốc gia có nền kinh tế tốt hơn và dẫn đến tỉ lệ sinh giảm.
Tuy nhiên, theo TS M.Corlle, “nhận xét của GS Ali có thể đúng với trước đại dịch Covid-19, còn thì hai năm qua tình hình đã rất khác”. Vì rằng, gần 2 năm qua, số trẻ mới ra đời ở cả nước giàu lẫn nước nghèo đều ít. “Tuy chưa thể có ngay con số chính xác, nhưng căn cứ vào việc thay đổi cách sống để tránh Covid-19, người ta cũng dễ dàng thấy được điều đó. Tất nhiên là cũng có ngoại lệ” - TS Corlle nói.
Trường hợp “ngoại lệ”
“Ngoại lệ” đó có lẽ là Na Uy khi mà nước này ghi nhận tỉ lệ sinh gia tăng bất ngờ, sau hơn một thập kỷ tỉ lệ sinh giảm và tỷ lệ sinh thấp nhất mọi thời đại vào năm 2020. Riêng trong nửa đầu năm nay, Na Uy đã ghi nhận tổng số 27.471 ca sinh trên cả nước, tính cả những bà mẹ sinh con lần đầu và những người đã từng sinh con trước đó. Tại Fjordane, tỉ lệ sinh đứng đầu danh sách, với mức tăng 37%, theo sau là Nordland, với mức tăng 20%.
Sự gia tăng này khiến các nhà nhân khẩu học tại Cơ quan Thống kê Na Uy (SSB) bối rối, vì rõ ràng điều này đi ngược lại xu hướng sinh trì hoãn sinh con, hoặc không có con, trong thời kỳ khủng hoảng. Nói như nhà nhân khẩu học Astrid Syse tại SSB thì trong thời điểm tài chính không ổn định và trong thời kỳ khủng hoảng, người ta thường trì hoãn việc sinh con.
Trước đó, SSB nhận định rằng xu hướng sinh giảm sẽ không thay đổi cho đến giai đoạn 2023-2024. Song hiện tại, dường như mọi người đã kỳ vọng vào sự phát triển trở lại và tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhà nhân khẩu học Syse cũng nhấn mạnh tuổi của những người lần đầu làm mẹ đã “khả quan hơn”.
Năm 2020, Na Uy chứng kiến tỉ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo thống kê: 42,8 trẻ em đã ra đời/1.000 phụ nữ, giảm 2,9% so với năm trước đó. Tính đến năm 2020, Na Uy có dân số gần 5,4 triệu người. Kể từ cuối thế kỷ 20, ngày càng có nhiều người nhập cư từ các nước láng giềng vào Na Uy, bao gồm người sinh sống những quốc gia ở Nam và Đông Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Hiện nay, tỉ lệ người nhập cư ở nước này chiếm 18,2% dân số.
Một thế giới “chen chúc”
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát (cuối năm 2019), Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết dân số thế giới sẽ tăng từ 7,7 tỉ lên 9,7 tỉ vào khoảng năm 2050. Nơi dân số tăng nhanh nhất là khu vực châu Phi Hạ Sahara. Còn đến năm 2100, dự báo dân số thế giới sẽ lên đến 11 tỉ người. Điểm đáng lo trong đó là dân số sẽ già đi vì tuổi thọ nhìn chung ngày càng cao và tỉ lệ sinh con thấp đi.
Đáng chú ý, báo cáo này nhận định dân số Ấn Độ sẽ tăng thêm gần 273 triệu người (từ năm 2020 đến năm 2050) và Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Hiện dân số của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 1,43 tỉ và 1,37 tỉ người, chiếm tương ứng 19% và 18% tổng dân số toàn cầu.
Cho dù chỉ số sinh sản trên phạm vi toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm từ mức 3,2 con/phụ nữ vào năm 1990 còn 2,5 con/phụ nữ trong năm 2019, và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2,2 con/phụ nữ vào năm 2050; thì “chúng ta vẫn sẽ phải sống trong một thế giới chen chúc” - nói như nhà nhân khẩu học Astrid Syse.
Đáng chú ý, Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra rằng số người trên 65 tuổi trên toàn thế giới đã vượt số trẻ em dưới 5 tuổi (vào năm 2018) và dự báo con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Khi đó, số người trên 80 tuổi cũng sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050.
Trở lại câu chuyện của nhà nhân khẩu học Astrid Syse, đại dịch Covid-19 đã khiến người ta “luôn sống trong cảnh phải tự đề phòng bệnh tật”, vì thế những câu chuyện tình yêu đôi lứa và hôn nhân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhất là suốt từ đầu năm 2021 đến nay, châu Á và châu Phi bị Covid-19 hoành hành, trong khi trước đó hai châu lục này vẫn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sinh.
Nằm trên bán đảo Arab, đất nước Qatar với diện tích hơn 11.000 km2 sở hữu nguồn dầu mỏ - khí đốt bậc nhất thế giới, là điểm đến của nhiều người. Khách du lịch có, dân làm ăn có, dân lao động thì càng nhiều (chủ yếu là nam giới). Tính theo GDP bình quân đầu người, Qatar là quốc gia có thu nhập cao nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đáng chú ý, bất kỳ ai sống ở Qatar cũng sẽ được tính vào dân số của nước này (tất nhiên là muốn thành “công dân chính thức” thì phải mất 25 năm liên tục. Chính vì thế mà sau 1 tháng, người ta lại "kiểm đếm" dân số một lần do tốc độ thay đổi quá nhanh do số người nhập cư, chủ yếu là để lao động kiếm sống. Có tới gần 80% dân số là người nhập cư, vì thế tỷ lệ nam/nữ ở Qatar duy trì ở mức 3 nam - 1 nữ.