Dân số Việt Nam gần chạm mốc 100 triệu người, và đang bước vào giai đoạn già hóa. Là nước có dân số đông song chất lượng dân số đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Vậy làm sao tận dụng được thời kỳ “dân số vàng” để phát triển đất nước?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong cuộc trò chuyện với Tinh hoa Việt cho rằng, cần quan tâm hơn nữa tới hệ thống an sinh xã hội cho người dân.
Mất cân bằng giới tính khi sinh
PV: Thưa ông, đầu tiên nói đến dân số người ta hay nói đến vấn đề giới. Đó là sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Hiện tình trạng mất cân bằng giới tính được cảnh báo là đang tăng nhanh, nhưng theo ông đã ở mức nghiêm trọng?
Ông NGUYỄN TRỌNG AN: Mất cân bằng giới tính sau khi sinh ở Việt Nam đã ở mức rất nghiêm trọng. Dù bây giờ, dân số Việt Nam đã ở gần cuối giai đoạn “dân số vàng” nhưng tỷ lệ theo thống kê gần nhất vẫn là 114 bé trai/100 bé gái. Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Nhiều gia đình còn mang nặng tư tưởng phải sinh được con trai để nối dõi tông đường. Tư tưởng này xuất phát từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã hiện hữu trong suy nghĩ, thực hành của người Việt.
Thực tế thì không chỉ người dân mà ngay cả một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng có tư tưởng trọng nam khinh nữ, lựa chọn giới tính của con trước khi sinh?
- Đúng là không chỉ người dân theo tập quán, thói quen “trọng nam khinh nữ” mà kể cả đối với những người là cán bộ, đảng viên cũng có tư tưởng đó. Bởi họ cũng xuất thân từ những vùng quê, vùng nông thôn, từ ngàn đời vốn có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên họ cũng có tư tưởng như vậy.
Bên cạnh đó, sự phát triển ngày càng tốt hơn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia trình độ cao đã tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các hình thức lựa chọn giới tính trước, và trong khi mang thai, nên đây cũng được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai. Chính vì mức độ nghiêm trọng nên nhiều chuyên gia đã cảnh cáo rằng chỉ khoảng vài chục năm nữa, Việt Nam sẽ dư thừa 50 triệu nam giới vì sinh nhiều con trai.
Không chỉ “sàng lọc” giới tính trước khi sinh mà tình trạng bất bình đẳng giới còn diễn ra hằng ngày ở mỗi gia đình. Nhưng những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới chưa thật sự thỏa đáng. Ngay cả bình đẳng giới trong chính trị cũng vậy. Tỷ lệ nữ giới tham gia trong Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, Sở, ngành vẫn còn khiêm tốn, chưa đạt mục tiêu cơ cấu đề ra.
Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi top 16 thế giới
Hiện tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao, thưa ông?
- Giờ chúng ta không còn tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nữa mà là trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Hiện tỷ lệ này cũng là cao, với 18%. Tỷ lệ chết của bà mẹ thấp, tai biến sản khoa cũng thấp. Tử vong trẻ từ 1-5 tuổi cũng thấp.
Hiện trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chúng ta vẫn đứng trong Top 16 nước cao nhất thế giới. Suy dinh dưỡng thấp còi có nguyên nhân do kiến thức của các bậc cha mẹ không hề biết rằng thấp còi không chỉ ăn uống đầy đủ mà là vấn đề vi chất dinh dưỡng. Ở đây vi chất dinh dưỡng có kẽm là quan trọng nhất, sau đó đến a xít a min, vitamin D, canxi, các loại vi chất dinh dưỡng. Thứ hai là sự cung cấp lương thực thực phẩm đó, ví như thủy, hải sản có nhiều chất kẽm, canxi thì ở vùng núi rất hiếm, vận chuyển lên thì giá thành rất cao. Người lao động lương thấp, không đủ tiền để mua loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng như vậy. Cho nên không chỉ ăn uống đầy đủ mà là vấn đề vi chất dinh dưỡng. Có như vậy trẻ mới không bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Chúng ta có chương trình “sữa học đường” nhưng tại sao tầm vóc thể lực của người Việt Nam vẫn chậm được cải thiện?
- Tôi là người chấp bút về chương trình sữa học đường theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thể lực có nhiều yếu tố, thứ nhất chương trình nuôi con bằng sữa mẹ dù được phát động từ lâu nhưng có bà mẹ tự “chê sữa mình”, cho con uống sữa bột. Đó là do vấn đề nhận thức. Còn tại nước ngoài, trẻ phải được bú mẹ đủ 6 tháng.
Bên cạnh đó, 70% người dân vẫn sống ở khu vực nông thôn. Người dân đi làm quần quật, không có thời gian cho con bú từ bé. Ở các khu công nghiệp không có chỗ để vắt sữa mẹ, trữ sữa nên chủ yếu uống sữa bột. Cho nên trẻ không cao lên được. Chưa kể, sữa mẹ cũng chỉ là một yếu tố và còn nhiều yếu tố khác nữa.
Thứ hai, tầm vóc thể lực con người Việt Nam cũng đã được cải thiện. Quyết định nâng cao tầm vóc Việt của Thủ tướng trong đó có sữa, và vi chất dinh dưỡng. Hiện nay tầm vóc thanh niên Việt Nam có tăng vọt nhưng so với thanh niên các nước xung quanh khu vực như Thái Lan thì ta còn thấp hơn, chưa nói đến Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bởi tại các nước họ có chương trình can thiệp tổng thể.
Chưa giàu đã già
Là nước có dân số đông nhưng kinh tế lại vẫn thuộc nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập thấp. Chúng ta chưa có giải pháp phát huy lợi thế của thời kỳ “dân số vàng”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Dân số được coi là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Sự phát triển bền vững của đất nước chủ yếu trong tương lai dài hạn là dựa vào năng suất lao động. Tức là dựa vào chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dân số. Và đó là yếu tố quyết định sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhiều chuyên gia từng đưa ra cảnh báo: “Việt Nam chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa”. Việt Nam cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” vào nhóm nhanh trên thế giới dự báo là 20 năm.
Năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già?
Theo dự báo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, nghĩa là cứ bốn người dân có một người cao tuổi. So với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, quá trình này kéo dài hàng trăm năm: Thụy Điển là 85 năm, Nhật Bản là 26 năm và Thái Lan là 22 năm; trong khi dự báo ở Việt Nam lại chỉ khoảng 20 năm và sẽ bước vào giai đoạn dân số “siêu già” vào năm 2049.
Mặc dù năm 2007 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ “dân số vàng” nhưng đến năm 2011 nước ta đã bước vào già hóa dân số. Năm 2009 tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 8,7% nhưng đến năm 2019 đã chiếm 12%. Trong vòng 10 năm, dân số cả nước tăng thêm 10,362 triệu người. Đồng thời người cao tuổi tăng khoảng 4 triệu người. Khi kết thúc thời kỳ “dân số vàng” đồng thời cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ “dân số già”.
Chính vì vậy, mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân số trong bối cảnh hiện nay là cần phát huy “dân số vàng”- thời kỳ có đông lực lượng lao động, nguồn nhân lực, yếu tố quyết định để phát triển kinh tế-xã hội bền vững đất nước. Cũng như chủ động “tích lũy” các nguồn lực thích ứng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. Quá trình già hóa dân số của ta bắt đầu diễn ra từ năm 2011. Tức là đã diễn ra hơn 10 năm nay. Và tới đây sẽ đối mặt với dân số già. Nếu như bây giờ chúng ta không có những chính sách, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội thì chúng ta sẽ lỡ cơ hội “dân số vàng”. Vì thời kỳ dân số vàng chỉ diễn ra trong khoảng 30-35 năm. Đến lúc đó chỉ toàn người già ở với nhau, thiếu người trẻ.
Chúng ta bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 nhưng chỉ đến năm 2011 đã bắt đầu già hoá dân số. Tại sao quá trình này lại diễn ra nhanh như vậy?
- Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011. Số người cao tuổi Việt Nam từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,7% dân số. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người (chiếm 20%) dân số. Trước đây chúng ta siết chặt giống như Trung Quốc trong thời gian trước đó. Tức là mỗi nhà chỉ đẻ từ 1-2 con.
Chúng ta đang già hóa dân số, cuối giai đoạn dân số vàng. Cho nên nếu già hóa dân số thì lực lượng lao động trẻ trong vòng 20-50 năm nữa nguy cơ cao chúng ta sẽ thiếu hụt lực lượng lao động. Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh như tôi đã đề cập ở trên. Điều này sẽ tác động tới kinh tế-xã hội, văn hóa.
Nhưng thực tế đang tồn tại một nghịch lý là vùng ít có điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con thì lại đẻ nhiều, còn vùng có điều kiện thì đẻ ít. Điều đó đang ảnh hưởng đến chất lượng dân số?
- Đa phần nơi sinh con nhiều tập trung ở nông thôn, vùng miền núi, nơi có điều kiện khó khăn. Còn khu vực thành thị lại ít sinh con. Họ không dám sinh con cho nên cần phải có sự phối hợp của cả xã hội với các doanh nghiệp. Đơn cử, trước đây tôi đã phải “chiến đấu” mãi về việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng. Vì khối doanh nghiệp họ sợ mất công nhân, trong 6 tháng đó phải tuyển công nhân mới, rồi xây nhà trẻ, khu trữ sữa, rồi nơi cho trẻ bú. Trừ những doanh nghiệp bài bản, có tên tuổi còn chú ý đến vấn đề cuộc sống của những bà mẹ sau khi sinh như có khu nhà trẻ, mẫu giáo thì các doanh nghiệp khác đa phần là không có. Vì vậy không khuyến khích được vấn đề sinh đẻ. Tôi nói ví dụ đó để thấy hiện công nhân làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp rất sợ và ngại sinh con. Chưa kể nhiều khó khăn còn bủa vây họ vốn là những cặp vợ chồng trẻ trong khi thu nhập lại thấp.
Tuổi thọ trung bình tăng nhưng không khoẻ
Thực tế thì tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khoẻ mạnh thấp so với nhiều nước?
- Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao, 73,7 tuổi (năm 2020) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước. Số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 6 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng với việc già hóa dân số nhanh.
Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ. Môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn. Như vậy chưa phải là thọ. Thọ là phải từ dinh dưỡng, ăn uống. Nhật Bản đã có nghiên cứu và hiện ở Việt Nam cũng bắt đầu có thay đổi từ ăn uống, tập luyện để tăng tuổi thọ.
Riêng nói đến thọ không chỉ thể chất mà còn có tinh thần. Ở các nước phát triển, người dân sống khỏe đến ngày cuối cùng. Tức là già yếu thì mất, còn tỷ lệ mất do bệnh tật cũng có song tỷ lệ không cao. Còn người cao tuổi Việt Nam thường bị các bệnh như: đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch. Tức là chung sống với các loại bệnh vào những năm cuối cùng của đời người. Đa phần người Việt đến lúc nghỉ hưu lại đối diện với nhiều loại bệnh tật. Trong khi đó lương hưu thấp, khi ốm đau chăm sóc sức khoẻ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông phải có những giải pháp gì để tận dụng thời cơ “dân số vàng” phát triển đất nước?
- Đây là việc các nhà hoạch định chính sách phải đánh giá và đưa ra các chính sách tổng thể. Nhưng ở góc độ cá nhân tôi cho rằng, đầu tiên người dân phải khoẻ mạnh trước đã. Dân số của chúng ta đông nhưng chất lượng dân số chưa cao. Người dân còn đối mặt với nhiều bệnh tật, suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm, và tỷ lệ ung thư rất cao. Bình quân mỗi ngày có 138 người chết vì ung thư, rồi các bệnh về hen phế quản, tắc nghẽn phổi…
Chưa kể ô nhiễm môi trường, bụi mịn PA2.5 còn có nguy cơ tiêu diệt giống nòi. Ô nhiễm môi trường không chỉ gây ung thư, đột quỵ, tim mạch, cao huyết cao mà Tổ chức y tế thế giới còn phát hiện là bụi mịn PA2.5 còn gây vô sinh, đẻ ra dị tật khi làm tổn thương tinh trùng… Tôi cho rằng, liên quan đến môi trường sống của người dân, từng gia đình, từng cụm dân cư là vấn đề hiện hữu rất cần quan tâm giải quyết trước mắt.
Và chất lượng cuộc sống của người dân mới là điều quan trọng nhất, bởi sức khoẻ của nhân dân là tài sản vô giá của mỗi quốc gia, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển lâu dài, bền vững?
- Đúng vậy. Tôi vừa đi hơn 10 CDC tại các tỉnh, thành để thúc đẩy tinh thần các cán bộ y tế. Sức khoẻ người dân phụ thuộc vào y tế. Bây giờ tất cả đổ dồn lên người dân khi thiếu thiết bị vật tư y tế, ốm đau không có thuốc, đi mổ phải tự mua thiết bị, thay khớp, đặt stent cũng không có. Đây là vấn đề rất cần quan tâm. Ở ta gần 1.600 đơn vị hành chính cấp xã đều có trạm y tế nhưng chưa phát huy được vai trò tương xứng.
Ở các nước là mô hình nhân viên công tác xã hội, và hệ thống điện thoại cấp cứu, gọi là được cấp cứu ngay. Còn ở ta thì y tế cơ sở của ta chỗ thì thiếu, chỗ thì thừa. Các nơi y tế cơ sở gần các bệnh viện lớn thì 7-8 nhân viên ngồi “chơi là chính”, vì khi ốm đau họ vào thẳng các bệnh viện lớn chứ không vào y tế cơ sở. Còn vùng cao như Cao Bằng, Hà Giang thì y tế cơ sở rất quan trọng thì lại không có thuốc, trình độ cũng ở mức độ, địa bàn rộng, dân cư xa, xe cộ không đi lại được. Như thế chỗ thừa chỗ thiếu. Tôi nói ví dụ nhà ngay sát bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), khi ốm đau họ ra bệnh viện Xanh Pôn chứ họ không ra trạm y tế phường. Và điều đó cũng khiến các bệnh viện lớn bị quá tải. Chúng ta thấy các bệnh viện lớn giờ rất đông, xếp hàng lũ lượt. Còn bệnh viện tư nhân bùng lên như “nấm” và giá cả thì “cắt cổ”. Đó là vòng luẩn quẩn.
Trẻ em là mầm non của đất nước, cho nên cần quan tâm đến trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Phải phòng ngừa, bảo vệ trẻ em không để bị xâm hại. Như vừa qua nhiều trẻ em bị xâm hại, đuối nước là điều rất thương tâm. Cách đây mấy hôm tại tỉnh Quảng Bình có trẻ 4 tuổi ngã xuống bể cá tử vong ở quán cà phê thật là đau xót. Rõ ràng bản thân mỗi người cũng cần phải quan tâm đến gia đình, con cái của mình nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích người dân sinh con. Như cách đây 30 năm Hà Lan, Đan Mạch đã có những chính sách khuyến khích người dân sinh con khi bắt đầu già hoá dân số. Vừa qua, tại dự thảo đề cương Luật Dân số đang lấy ý kiến để trình Chính phủ thì một trong những điểm nổi bật trong dự thảo là ưu tiên thực hiện các biện pháp khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp, trước thực trạng “ngại đẻ” của nhiều phụ nữ Việt. Theo đó có đề xuất thưởng gần 9 triệu đồng cho người sinh con thứ hai.
Thế nhưng một em bé ra đời có bao nhiêu vấn đề. Tôi nói ví như nhà trẻ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện đang thiếu thốn. Thậm chí có nơi không có nhà trẻ. Lương cả 2 vợ chồng từ 8-12 triệu/tháng nuôi 1 đứa bé, rồi mời bố mẹ ở quê lên chăm sóc. Điều đó khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ “ngán”, không dám đẻ nữa. Đó là vấn đề lo ngại. Cho nên phải tạo điều kiện để các chồng vợ sớm sinh con vì hiện nay đang già hoá dân số. Nếu không cải thiện tỷ lệ sinh thì 20 năm nữa chúng ta sẽ thiếu hụt lao động. Chúng ta đang hướng tới trở thành nước công nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại nhưng nếu không có lực lượng lao động thì làm sao có thể sản xuất?
Bên cạnh đó cần quan tâm tới hệ thống an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt ở vùng nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội. Cũng như quan tâm tới môi trường sống của người dân như ô nhiễm môi trường, chất lượng bữa ăn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2011, dân số thế giới đạt 7 tỷ người. Năm 2022, con số sẽ là 8 tỷ. Một số người sẽ ngạc nhiên về những tiến bộ trong y tế đã giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em và phát triển vaccine trong thời gian ngắn kỷ lục. Nhưng những tiến bộ đạt được đó không phải tất cả mọi người đều được hưởng. Vẫn còn có phụ nữ chết trong khi sinh nở. Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Công nghệ kỹ thuật số càng làm cho nhiều phụ nữ và người dân ở các nước đang phát triển bị tụt hậu.
Trong một thế giới lý tưởng, 8 tỷ người có nghĩa là 8 tỷ cơ hội cho một xã hội lành mạnh hơn được củng cố bởi các quyền và lựa chọn. Nhưng sân chơi không và chưa bao giờ bình đẳng. Vì giới tính, dân tộc, giai cấp, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, khuyết tật và nguồn gốc, cùng với các yếu tố khác, vẫn còn quá nhiều người bị phân biệt đối xử, quấy rối và bạo lực. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không quan tâm đến những người bị bỏ lại phía sau.
Cần đầu tư cho nhân lực và vật lực vì một xã hội hòa nhập, hiệu quả đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức to lớn mà hành tinh của chúng ta phải đối mặt và xây dựng một thế giới nơi sức khỏe, nhân phẩm và giáo dục là quyền và thực tế phải diễn ra, không phải là đặc quyền và những lời hứa suông. Trong một thế giới 8 tỷ người phải luôn có không gian cho các cơ hội.
(TRÍCH THÔNG ĐIỆP NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11/7/2022 CỦA QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC)