Sau 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Y tế, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 1994 tại Cairo (Ai Cập), Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, 179 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển.
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Công tác Dân số Việt Nam trong 30 năm qua đã có những thành tựu đáng kể, chúng ta đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.
Việt Nam cũng vừa vượt mốc 100 triệu dân. Tuổi thọ của người dân được nâng cao, đạt 73,7 tuổi năm 2023. Việt Nam đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ trong 30 năm qua và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt mức cao trên thế giới. Tầm vóc, thể lực người Việt có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.
Đáng chú ý, dù vừa vượt mốc 100 triệu dân nhưng nhiều chuyên gia dự báo, có khả năng sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Bằng chứng của dự báo này là do tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm khá nhanh. Nếu như bình quân giai đoạn 2017 - 2020 tốc độ tăng dân số là 1,07% thì năm 2022 chỉ còn 0,98% và năm 2023 là 0,84% và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do mức sinh của người Việt sụt giảm mạnh. Nếu như năm 1999, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con thì đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, các tỉnh có mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
“Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội” - bà Hương nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân, theo đại diện Cục Dân số, trong nhiều lí do dẫn đến việc giảm sinh có những lí do rất tự nhiên của xã hội như quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển, khiến giới trẻ mải mê công việc, ngại sinh con. Ngoài ra việc tìm kiếm nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con cũng là áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con. Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập, tỷ lệ số dân tại các khu này tính bằng cả phường, nhưng những dịch vụ để phục vụ cho người dân còn thấp và thiếu… Cùng với đó tồn tại vấn nạn vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ là tình trạng nạo phá thai diễn ra tràn lan, có thể dẫn đến vô sinh.
Để giải quyết tình trạng này, tại Dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng đã có đề xuất 4 biện pháp nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Cụ thể đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình; quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.