Mới đây, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương đã trao tặng thưởng cho 25 tác phẩm lý luận, phê bình VHNT xuất bản năm 2023, chọn lựa từ 118 tác phẩm được các cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng thưởng. Đợt trao giải thưởng này không tìm được tác phẩm để trao tặng thưởng mức A.
Coi trọng tính học thuật
4 tác phẩm tặng thưởng mức B gồm “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập” của TS Ngô Phương Lan; “Neo chữ” của nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam; “Nghệ thuật trang trí đình làng tại Bình Dương” của TS Nguyễn Thị Ngọc Diệp; “Nguyễn Bính - Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Ngoài ra còn có 12 tác phẩm được tặng thưởng mức C và 9 tác phẩm ở mức khuyến khích.
Tặng thưởng cho tác phẩm lý luận, phê bình VHNT là hoạt động thường niên, kể từ năm 2012 và đã tổ chức 10 đợt xét chọn, trao tặng thưởng. Theo đó, hàng năm, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương thông báo nội dung, yêu cầu, quy chế xét và trao tặng thưởng đến Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam; các hội VHNT chuyên ngành trung ương và hội VHNT các tỉnh, thành phố; các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhà lý luận, phê bình VHNT; các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí có nhiều chương trình, chuyên mục VHNT.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, để chọn lọc, thẩm định và quyết định trao tặng thưởng cho các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT, Hội đồng đặc biệt coi trọng tính học thuật, tính mới, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của các tác giả khi đi vào các vấn đề, hiện tượng, khuynh hướng hay trường hợp văn nghệ cụ thể.
Thời gian qua, thực tiễn hoạt động lý luận, phê bình VHNT đã và đang tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề. Mới đây, tại tọa đàm “Lý luận, phê bình VHNT từ đổi mới (1986) đến nay - những vấn đề đặt ra cần giải quyết” do Liên hiệp các hội VHNT TPHCM tổ chức, một lần nữa cho thấy đây là lĩnh vực rất nóng. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Hội Âm nhạc TPHCM) bày tỏ, giữa thời buổi phát triển mạng xã hội, chỉ cần viết sơ sẩy một chút là bị “ném đá tơi bời”. Viết một bài là phải chấp nhận hy sinh nhưng hy sinh để được gì, viết có ai đọc không? Nếu không sống được bằng nghề phê bình thì làm sao có thế hệ kế thừa.
Thực tế này còn diễn ra ở một số lĩnh vực nghệ thuật khác, như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa... Ở lĩnh vực văn học vốn được xem là có đội ngũ đông đảo hơn cả cũng chỉ có thể lác đác kể tên vài người như Đỗ Lai Thúy, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồ Quang... Còn công tác lý luận, phê bình điện ảnh ở nước ta thì đang thiếu và yếu, không thể hiện được vai trò, vị trí vốn có nên hiển nhiên nó đã nhường chỗ, thậm chí trở nên lép vế trước truyền thông và mạng xã hội.
Cần sự dấn thân của các cây bút trẻ
Người hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT đòi hỏi phải có kiến thức dày dặn, bản lĩnh, tư duy đúng đắn và đặc biệt là phải công tâm: Khen đúng, chê đúng, chê có trách nhiệm. Dù khen dù chê thì cũng nhằm thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải là tâng bốc khiến người sáng tạo lạc đường, hoặc thui chột. Tới nay, dù vẫn có thành tựu, nhưng thực tiễn lý luận, phê bình VHNT cho thấy rất cần một đội ngũ mạnh mẽ, sôi nổi hơn. Đặc biệt là sự tham gia, hay nói cách khác là “sự dấn thân” của những cây bút trẻ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam cho biết, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có 1.500 hội viên, tuy nhiên mảng lý luận chuyên nghiệp thì chưa quá trăm người. Ông Quân cũng cho rằng, tình trạng ngại “dấn thân” vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận là lỗ hổng lớn, tồn tại đã nhiều năm. Do vậy, một số nhà phê bình không chuyên phải “gánh vác”, nên đôi khi có góc nhìn phiến diện, chưa chính xác.
Giải thích về sự “hụt hơi” của lực lượng lý luận, phê bình VHNT, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết người làm công tác phê bình không kiếm được tiền. “Tôi và nhiều đồng nghiệp khác hiện được gọi là “nhà phê bình” nhưng thực tế sống bằng vẽ tranh, bán tranh” - ông Thượng nói.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm từng nêu vấn đề: Khi hỏi ở Việt Nam có ai sống được bằng nghề phê bình, lý luận không thì đều nhận được cái lắc đầu. Trong khi để có trình độ làm công việc này phải học nhiều năm mới đứng vững và viết được. Bà Liêm cũng “lấy ví dụ từ chính mình”, được trả nhuận bút 750.000 đồng cho một bài viết nghiên cứu dài 15 trang.
Tương tự, nhiếp ảnh gia Hồ Sỹ Minh (Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam) cho rằng hầu hết những người viết lý luận, phê bình nhiếp ảnh không được đào tạo chuyên nghiệp. Trong giới, không một người nào chọn lý luận, phê bình nhiếp ảnh làm nghề để biến nó thành niềm đam mê, thành sự nghiệp. Tất cả đều coi đó là một nghề tay trái.
Trong khi đó, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra một khía cạnh khác của sự thiếu hụt đội ngũ lý luận, phê bình VHNT, đó là “sợ nói thật”. Trước mỗi tác phẩm, sự kiện văn hóa gây hiệu ứng dư luận, giả dụ có nhà phê bình nào lên tiếng có thể sẽ bị bủa vây, ném đá, làm sao có thể trụ vững được trong cơn lốc của dư luận, của các “anh hùng bàn phím”...
Chính vì thế khi trên mạng xã hội nảy ra những cuộc tranh luận về một bộ phim, một tác phẩm VHNT nhưng người ta lại thấy thiếu vắng ý kiến phân tích, dẫn dắt của các nhà phê bình chuyên nghiệp để định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Hàng chục tạp chí chuyên ngành trong cả nước đang hoạt động nhưng gần như không có tiếng nói trong đời sống VHNT của cộng đồng.
Lý luận, phê bình VHNT vẫn còn là câu chuyện dài. Vì thế, Hội đồng Lý luận, phê bình VHTN Trung ương trao tặng thưởng cho 25 tác phẩm xuất bản năm 2023 là một việc rất ý nghĩa. Mang tới sự khích lệ và hy vọng về sự “dấn thân” của những người cầm bút trong lĩnh vực này, cho dù vẫn biết con đường phía trước không hề bằng phẳng.
Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, nhìn vào đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay dễ dàng nhận ra sự hòa trộn của cả 3 loại “nhà”: nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà phê bình. Điều đó dẫn đến những ngộ nhận, phong nhầm “nhà” nọ thành “nhà” kia. “Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, ai cũng có thể đưa ra ý kiến. Người người có thể trở thành nhà phê bình. Thế nhưng, những nhà phê bình có phương pháp, chuyên môn, được đào tạo bài bản vẫn phải đốt đuốc đi tìm” - ông Thưởng nói.