Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng, việc sa thải đột ngột Bộ trưởng Esper là bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump đang "gieo rắc sự hỗn loạn" trong nền dân chủ Mỹ.
Ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và báo hiệu, ông có thể sử dụng những tháng cuối cùng tại chức sau thất bại như dự đoán của truyền thông Mỹ để “thanh lọc” nhân sự trong chính quyền của mình.
Tổng thống Trump và ông Esper có sự chia rẽ về một loạt vấn đề và đặc biệt là sự phản đối của công chúng đối với việc Trump đe dọa sử dụng lực lượng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd ở Minneapolis.
Các đảng viên Dân chủ đã phản ứng bằng sự báo động và cho rằng động thái của ông Trump gửi một thông điệp nguy hiểm đến các đối thủ của Mỹ và làm lu mờ hy vọng về một quá trình chuyển đổi có trật tự khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị nhậm chức.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói: “Việc sa thải đột ngột Bộ trưởng Esper là bằng chứng đáng lo ngại cho thấy Tổng thống Trump đang có ý định sử dụng những ngày cuối cùng của mình tại vị để gieo rắc sự hỗn loạn trong nền dân chủ Mỹ và trên toàn thế giới”.
Hạ nghị sĩ Adam Smith (Đảng Dân chủ), người đứng đầu Ủy ban Quân vụ Hạ viện đã lên án quyết định của Tổng thống Trump là "trẻ con" và "liều lĩnh".
Trong khi đó, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng, ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia đang đảm nhận vị trí Quyền Bộ trưởng Quốc phòng.
Các quan chức Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã gọi điện cho ông Esper trước vài phút để cảnh báo về việc Tổng thống Trump sẽ sa thải ông qua Twitter.
Khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định nhanh chóng, ông Miller đã ngay lập tức được nhìn thấy đến tòa nhà Lầu Năm Góc chỉ một giờ sau tuyên bố của Tổng thống, trước cả khi Lầu Năm Góc đưa ra tuyên bố chính thức thừa nhận việc sa thải ông Esper.
Các nguồn tin cho biết, ông Esper từ lâu đã chuẩn bị cho việc từ chức hoặc bị sa thải sau cuộc bầu cử tuần trước, đặc biệt, nếu Tổng thống Trump tái đắc cử. Tuy nhiên, thực tế là ông Trump đã sa thải Bộ trưởng Esper ngay cả khi thất bại trong cuộc bầu cử.
Trong một lá thư gửi tới Bộ Quốc phòng vào đầu giờ tối thứ Hai, ông Esper nói rằng, ông đã tránh sang một bên và nhận thức được rằng “còn nhiều điều chúng ta có thể hoàn thành”.
Ông Esper cũng dành lời khen ngợi quân đội vì vẫn giữ lập trường "phi chính trị", một điệp khúc mà ông thường sử dụng.
Giáo sư chính trị Paul Frymer (Đại học Princeton) cho biết, việc sa thải nhân viên qua Twitter là "điển hình cho toàn bộ nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump" và cảnh báo, nó có thể gây nguy hiểm đối với ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm.
Giáo sư Frymer nói: “Ông ấy (ám chỉ Tổng thống Trump-ND) không thể kiểm soát sự bốc đồng hay nóng nảy của mình”.
Tổng thống Trump đã có một mối quan hệ không mấy dễ chịu với Lầu Năm Góc, nơi Esper và những người đồng cấp hàng đầu đã nhiều lần tìm cách tránh bị coi là công cụ chính trị của chính quyền Trump.
Người tiền nhiệm của Esper, ông Jim Mattis, đã bỏ cuộc vào năm 2018 vì những khác biệt về chính sách với Tổng thống Trump, bao gồm cả vấn đề Syria. Vào tháng 6, ông Mattis đã chỉ trích ông Trump: “Tổng thống đầu tiên trong đời tôi, người không cố gắng đoàn kết người dân Mỹ, thậm chí không giả vờ cố gắng. Thay vào đó, ông ấy cố gắng chia rẽ chúng tôi”.
Các nguồn tin cho biết, giống như Mattis, ông Esper cũng không đồng tình với chủ trương xa lánh liên minh NATO của Tổng thống Trump và luôn cảnh giác với việc Trump có khuynh hướng nhìn các liên minh quân sự của Mỹ thông qua lăng kính giao dịch, ngay cả khi ông Esper ủng hộ lời kêu gọi của Trump đối với các đồng minh trong việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Trong khi đó, ông Michael O’Hanlon tại Viện nghiên cứu Brookings cho biết, ông không tin Tổng thống Trump có khả năng tạo nên sự hỗn loạn, gây tổn hại cho chính sách an ninh quốc gia của Mỹ mặc dù đã sa thải Esper.
“Ông ấy muốn tin rằng, mình có một số di sản như về kinh tế, việc củng cố quân đội, việc không bắt đầu các cuộc chiến mới”, ông O’Hanlon nói và lưu ý rằng, Trump có thể muốn cố gắng tranh cử lại vào năm 2024.